Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 7876 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Nỗ lực của giới khoa học trong ‘cuộc chiến’ chống COVID-19 (01/04/2020)
Thử nghiệm các phương thức điều trị, chế tạo vaccine hay sản xuất các bộ kit thử nhanh phát hiện virus… là những nhiệm vụ đang được các nhà khoa học trên toàn thế giới ngày đêm thực hiện trong cuộc chiến chống COVID-19.
Máy gia tốc synchrotron hoạt động từ năm 2007 của Australia, nay được sử dụng trong công cuộc phòng chống COVID-19. Ảnh: The Royal Society of Victoria.
Nga: Phát triển 3 loại thuốc hỗ trợ điều trị
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN), Viện sĩ Vladimir Chekhonin cho biết các nhà khoa học của RAN đã nghiên cứu và phối hợp phát triển 3 loại thuốc có thể được sử dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo ông Chekhonin ở thời điểm hiện tại, Nga đang có một loại thuốc đặc biệt ở dạng hít có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị. Ông cũng đề cập đến một phác đồ điều trị khá hiệu quả tổng hợp thuốc kháng virus Favipiravir (được điều chế trước đây ở Nhật Bản) trong điều trị các bệnh viêm nhiễm virus RNA, mà SARS-CoV-2 cũng thuộc dạng này.
Theo Viện sĩ Chekhonin, cả 2 loại thuốc này đều sẵn sàng để thử nghiệm.
Ngoài ra, ông Chekhonin cũng đề cập đến loại thuốc Fortepren, được bào chế trên cơ sở thuốc Phosprenyl, nhằm điều trị viêm nhiễm do virus Corona ở động vật. Ông cho biết thuốc Phosprenyl đã được thử nghiệm cả ở người.
Hiện Phosprenyl đang ở giai đoạn đăng ký, sau đó nó có thể được đưa ra thử nghiệm trên diện rộng.
Ngoài ra, mới đây, Nga cũng đưa vào sử dụng bộ xét nghiệm nhiều chủng virus khác nhau. Báo Thương gia (Nga) ngày 31/3 đưa tin, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu dịch tễ học Trung ương trực thuộc Cơ quan Giám sát và Bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng Liên bang Nga, đã phát triển thành công bộ xét nghiệm mới có độ chính xác cao để chẩn đoán virus SARS-CoV-2. Bộ dụng cụ chẩn đoán đã vượt qua thử nghiệm lâm sàng và được đăng ký để sử dụng tại Nga hôm 25/3.
Thiết bị xét nghiệm mới đáp ứng tất cả các yêu cầu hiện nay về độ nhạy, tính đặc hiệu và cho phép phát hiện không chỉ virus SARS-CoV-2 trong một nghiên cứu, mà còn phân biệt chúng với các virus có gốc SARS-CoV khác, cũng như virus gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV).
Theo báo trên, việc tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 rộng rãi sẽ giúp xác định sớm những người bị nhiễm ở giai đoạn đầu cũng như những người mang mầm bệnh nhưng chưa có các triệu chứng, qua đó kịp thời cách ly họ.
Australia: Dùng máy gia tốc hạt tìm thuốc chữa COVID-19
Các nhà nghiên cứu Australia đã huy động máy gia tốc hạt mạnh nhất Nam bán cầu để kiểm tra nhanh những loại thuốc và vaccine tiềm năng giúp đối phó hiệu quả với COVID-19.
Máy gia tốc hạt tròn synchrotron ở Melbourne sẽ sử dụng tia X cực mạnh do electron phát ra khi đi qua cỗ máy để kiểm tra những protein quan trọng của SARS-CoV-2, theo thông báo hôm 31/3 của ông Andrew Peele, Giám đốc chương trình. Hoạt động như một dạng kính hiển vi, máy gia tốc hạt cho phép các nhà nghiên cứu lập bản đồ 3D cỡ nguyên tử của protein để phát triển thuốc điều trị có khả năng bám vào và vô hiệu hóa virus.
Máy synchrotron của Australia là máy gia tốc hạt lớn nhất tại Nam bán cầu với kích thước rộng ngang sân bóng đá, tạo ra ánh sáng mạnh gấp 1 triệu lần Mặt trời để chụp những bức ảnh 3D rõ nét của nguyên tử và phân tử.
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã gửi hàng trăm mẫu protein tới nhóm nghiên cứu ở Melbourne để kiểm tra. "Sử dụng công nghệ của chúng tôi, trong vòng 5 phút, bạn có thể hiểu rõ tại sao một loại thuốc có hoặc không hiệu quả trong việc gắn vào protein của SARS-CoV-2", ông Peele nói.
Bộ trưởng Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ Australia Karen Andrew khẳng định việc chụp hình ảnh 3D virus SARS-CoV-2 sẽ hỗ trợ công tác nghiên cứu để tìm ra giải pháp phòng chống đại dịch.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học Australia đã thiết lập thành công một công cụ chẩn đoán hình ảnh trí tuệ nhân tạo (AI), hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế trong việc xác định chính xác người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Công ty khởi nghiệp DetectED-X, liên kết với Đại học Sydney, đã công bố một công nghệ mới, gọi là CovED, cho phép chẩn đoán chính xác những người nhiễm SARS-CoV-2 nhờ phương pháp phân tích hình ảnh chụp cộng hưởng từ (CT) phổi của bệnh nhân.
Giám đốc điều hành DetectED-X, Giáo sư Patrick Brennan, cho biết công nghệ AI mới hỗ trợ các chuyên gia hình ảnh trong lĩnh vực y tế, đọc hiểu và phân tích cặn kẽ những ảnh hưởng ở phổi của người được chụp CT, dựa trên một hệ thống AI có khả năng kết luận chính xác về việc liệu người được chẩn đoán có bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Mọi thao tác và kết quả chuẩn đoán sẽ có sau khoảng một giờ hoạt động.
Giáo sư Brennan nói, bên cạnh các phương pháp xét nghiệm dựa trên phân tích dịch mũi, họng hoặc xét nghiệm máu, phương pháp chụp cộng hưởng từ phổi cũng cho kết quả chính xác về việc liệu người được xét nghiệm có mắc COVID-19 hay không.
Nền tảng CovED, có thể được truy cập ở bất cứ nơi đâu có kết nối internet, được cung cấp miễn phí và được hỗ trợ bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các tập đoàn đa quốc gia.
Mỹ: Ra mắt thiết bị xét nghiệm SARS-CoV-2 trong 5 phút
Phòng thí nghiệm Abbot của Mỹ đã ra mắt một thiết bị xét nghiệm cầm tay có thể thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 5 phút và thông báo kết quả âm tính trong 13 phút.
Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp giấy phép khẩn cấp cho Abbot để có thể bắt đầu sản xuất các thiết bị xét nghiệm này.
Thiết bị xét nghiệm kích cỡ tương đương một lò nướng nhỏ và sử dụng công nghệ phân tử, cho phép thiết bị này được triển khai ở ngoài “4 bức tường của bệnh viện tại các điểm nóng dịch bệnh”.
Trong một diễn biến khác, Chính phủ Mỹ và Công ty Johnson&Johnson (J&J) ngày 30/3 quyết định sẽ cùng đầu tư 1 tỷ USD để sản xuất hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa virus SARS-CoV2.
Theo thỏa thuận, Chính phủ Mỹ sẽ chi 421 triệu USD để hỗ trợ J&B xây dựng nhà máy sản xuất vaccine này tại Mỹ.
Theo báo New York Post, J&J đã chọn được loại vaccine tối ưu và sẽ tiến hành thử nghiệm trên người vào tháng 9 tới.
Giám đốc phụ trách Khoa học của Công ty J&J, ông Paul Stoffels, cho biết cCông ty bắt đầu xây dựng nhà xưởng ngay từ bây giờ, dù chưa biết kết quả thử nghiệm vaccine có mang lại kết quả mong đợi hay không.
Thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 trên bệnh nhân tại Na Uy, Tây Ban Nha
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo chính thức thử nghiệm các loại thuốc điều trị COVID-19 trên những bệnh nhân đầu tiên tại Na Uy và Tây Ban Nha.
Thử nghiệm này sẽ so sánh sự an toàn và hiệu quả của 4 loại thuốc riêng biệt hoặc phối hợp các loại thuốc với nhau chống lại COVID-19.
Đây được đánh giá là một thử nghiệm có ý nghĩa lịch sử, sẽ cắt giảm đáng kể thời gian cần thiết nhằm tạo ra bằng chứng mạnh mẽ về tác dụng của những thuốc này trên bệnh nhân COVID-19.
Hiện nay có nhiều quốc gia đang đóng góp cho thử nghiệm này và việc càng nhiều quốc gia tham gia thử nghiệm càng thúc đẩy cho ra kết quả nhanh hơn.
Bốn loại thuốc được chính thức thử nghiệm ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 gồm Remdesivir (một loại thuốc ức chế enzyme cần thiết cho virus sao chép bộ gene của nó, từng thử nghiệm điều trị Ebola); Cloroquine hoặc Hydroxychloroquine là thuốc chống sốt rét; Ritonavir và Lopinavir là thuốc ức chế HIV; Ritonavir, Lopinavir và Interferon beta là một peptide kháng virus.
Nguồn: Vũ Phong/Báo Chính phủ
Cập nhật: 01/4/2020
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)