Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 53272 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Phát hiện tế bào “điệp viên hai mang” trong ung thư não (08/10/2021)
Thời gian đầu khi khối u xuất hiện, các bạch cầu Neutrophil tham gia tấn công ngăn chặn khối u, nhưng sau đó chúng di chuyển vào khu vực ung thư và giúp khối u phát triển.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, một nghiên cứu mới công bố của trường Đại học Tel Aviv (Israel) vừa phát hiện một loại tế bào miễn dịch đã “tiếp tay” đẩy nhanh quá trình phát triển và làm tăng độ nguy hiểm của khối u não.
Hai đối tượng được nghiên cứu bao gồm căn bệnh ung thư nguyên bào thần kinh đệm (GBM) - một trong những bệnh ung thư não phổ biến nhất - và các bạch cầu trung tính Neutrophil - loại bạch cầu phổ biến được tủy xương tạo ra và có chức năng quan trọng là thực bào giúp tấn công các vi khuẩn ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể.
Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, Tiến sỹ Dinorah Friedmann-Morvinski cho biết các nhà khoa học đã theo dõi sự phát triển của khối u GBM ở một số động vật có hệ miễn dịch bình thường và có những đặc điểm tương đồng với con người. Họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy các bạch cầu trung tính đã “đổi bên.”
Thời gian đầu khi khối u xuất hiện, các bạch cầu Neutrophil tham gia tấn công ngăn chặn khối u, nhưng sau đó chúng di chuyển vào khu vực ung thư và giúp khối u phát triển.
Tiến sỹ Friedmann-Morvinski cho biết bạch cầu trung tính là những người lính tuyến đầu của hệ thống miễn dịch, nhưng sau đó chúng đã bị chính khối u "tuyển mộ." Từ vai trò chống ung thư, Neutrophil đã trở thành yếu tố kích thích ung thư. Kết quả là chúng làm trầm trọng thêm những tổn thương do khối u tạo ra.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện quá trình “thoái hóa biến chất” của các bạch cầu trung tính dường như đã diễn ra trước khi chúng tiếp cận khối u.
Điều này đồng nghĩa với việc khối u nằm trong não nhưng có thể điều khiển từ xa các tế bào miễn dịch khi chúng còn đang ở tủy xương.
GBM là một trong những căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất ở người, với thời gian sống trung bình của bệnh nhân chỉ 12-15 tháng kể từ thời điểm phát hiện.
Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Đại học Tel Aviv có thể góp phần làm tăng hiệu quả của liệu pháp điều trị miễn dịch đối với các bệnh nhân ung thư, vốn đang đạt được nhiều bước tiến bộ trong những năm gần đây./.
Nguồn: Vũ Hội/vietnamplus.vn
Ngày cập nhật: 06/10/2021
https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-te-bao-diep-vien-hai-mang-trong-ung-thu-nao/745011.vnp
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)