Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 30871
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Phát hiện virus SARS-CoV-2 qua máy dò hơi thở (23/02/2021)

Ngày 3/2, Indonesia đã triển khai một chương trình phát hiện người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 bằng cách sử dụng máy dò phát hiện virus này qua hơi thở.

hình ảnh minh họa

Máy dò nói trên do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yogyakarta Gadjah Mada (UGM) của Indonesia sáng chế. Máy có tên gọi là GeNose, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây giúp chẩn đoán COVID-19 theo thời gian thực. GeNose được cho là hiệu quả hơn các xét nghiệm PCR và chính xác hơn nhiều so với các phương pháp test nhanh.

Các đối tượng sẽ được yêu cầu thổi vào một cái túi và kết quả cho ra chỉ sau 2 phút. GeNose hoạt động bằng cách phát hiện các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có chứa virus SARS-CoV-2 từ hơi thở của bệnh nhân.

Với hỗ trợ của nhiều cảm biến và công nghệ AI, bộ công cụ này có thể xác định liệu hơi thở có chứa virus hay không. Máy dò này đã được thử nghiệm với độ chính xác lên tới 97% trên 600 mẫu bệnh phẩm hợp lệ thu được từ Bệnh viện Bhayangkara và Bệnh viện Bambanglipuro ở nước này.

Công cụ GeNose của Indonesia tương tự với công cụ SpiroNose do một công ty công nghệ y tế của Hà Lan phát triển và đang được triển khai tại Hà Lan nhằm đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.

Indonesia hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất ở Đông Nam Á với khoảng 1,1 triệu ca nhiễm và trên 30.000 ca tử vong. Theo bà Siti Nadia Tarmizi, người phát ngôn chương trình tiêm chủng của Bộ Y tế nước này, tính đến nay, Indonesia đã tiếp nhận 28 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ Sinovac, Trung Quốc, trong đó 3 triệu liều sẵn sàng để sử dụng và 25 triệu liều ở dạng nguyên liệu thô để sản xuất.

Bà Siti Nadia Tarmizi cho biết đây là lô vaccine thứ tư mà nước này tiếp nhận từ Sinovac và sẽ được sử dụng cho các nhân viên công vụ trong giai đoạn 2 của chương trình tiêm chủng quốc gia. Giai đoạn này sẽ hướng đến 17,4 triệu nhân viên công vụ làm việc tại các bộ phận có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bà Siti Nadia Tarmizi cũng cho biết chương trình tiêm chủng cho 1,5 triệu nhân viên y tế sẽ hoàn tất chậm nhất vào cuối tháng 2 này.

Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 1/2, đã có 539.532 nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi đầu tiên và 35.406 người khác được tiêm mũi thứ 2.

Tính đến nay, Indonesia đã nhận được các cam kết cung ứng và đặt mua tổng cộng 663 triệu liều vaccine từ các hãng AstraZeneca của Anh, Sinovac của Trung Quốc, Novavax của Mỹ và Canada và Pfizer của Mỹ. Quốc gia này cũng đã chính thức khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 hôm 13/1 vừa qua với mục tiêu tiêm ngừa cho 181,5 triệu người trong vòng 15 tháng.

Nguồn: H.Phương/baochinhphu.vn

Ngày cập nhật: 04/02/2021

http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Phat-hien-virus-SARSCoV2-qua-may-do-hoi-tho/422136.vgp