Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 44610 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Văn hóa - Xã hội Nông thôn
Phát huy truyền thống văn hóa trong gia đình hiện đại (01/07/2021)
Ngày 28/6 hàng năm được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm phát huy truyền thống văn hoá gia đình, tạo điều kiện để mỗi gia đình Việt nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là “tế bào” lành mạnh, hạt nhân văn hoá của xã hội.
Trong thời đại ngày nay, những chuẩn mực đạo đức có sự chuyển biến rất lớn, tác động đến đời sống gia đình. Đó có thể là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực như giải phóng người phụ nữ khỏi một số nghi lễ cứng nhắc, gò bó, đề cao tính dân chủ, bình đẳng của mọi thành viên…Nhưng mặt khác, những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, việc du nhập những phong cách sống ngoại lai từ quá trình hội nhập, sự trỗi dậy của những hủ tục còn rơi rớt, khiến gia đình Việt Nam đối mặt với không ít vấn nạn, từ ngoại tình, bạo hành, rượu chè, cờ bạc…đến những khó khăn trong cuộc sống xoay quanh cơm, áo, gạo, tiền. Thực tế hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ chạy theo quan niệm cưới sớm, ly hôn sớm, vô trách nhiệm với con cái và họ hàng hai bên. Tuy nhiên, dù có “khác” xưa nhưng gia đình trong xã hội phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn phải dựa vào những nền tảng đạo đức truyền thống: Con cái hiếu thảo với cha mẹ, vợ chồng yêu thương, hoà thuận, anh em kính trên nhường dưới và trách nhiệm của từng thành viên đối với gia đình.
Trong nền văn hoá Việt Nam tồn tại mô hình gia đình tứ đại đồng đường, tam đại đồng đường độc đáo so với thế giới. Đây là mô hình lý tưởng khi có sự kết hợp hài hoà mối quan hệ giữa các thế hệ. Thế hệ trước trao quyền kinh nghiệm sống, phong tục, tập quán, thói quen giao tiếp, ứng xử tốt đẹp. Tuy nhiên, để duy trì mô hình gia đình nhiều thế hệ không dễ, nhất là trong xã hội hiện đại. Ngày nay mô hình gia đình hạt nhân, có từ 1-2 thế hệ đang là xu thế phổ biến của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng này. Với mô hình này, mỗi thành viên có vai trò bình đẳng ngang nhau, cùng nỗ lực xây dựng, vun đắp hạnh phúc và giữ gìn truyền thống văn hoá gia đình. Đó cũng là chỉ tiêu quan trọng trong bình xét danh hiệu Gia đình văn hoá nằm trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” do Trung ương và thành phố phát động những năm qua.
Để hài hoà mối quan hệ giữa các thế hệ trong cùng gia đình, trước hết, bản thân mỗi thành viên phải có trách nhiệm với gia đình. Từ đó chấp nhận thay đổi thói quen, sở thích đề dung hoà với các thành viên khác. Con cháu cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ người cao tuổi trong gia đình. Ông bà, cha mẹ nâng cao dân trí, đổi mới tư duy để tìm ra tiếng nói chung. Trách nhiệm của từng thành viên đối với gia đình bao trùm lên tất cả văn hoá gia đình, giải quyết mọi vướng mắc trong các mối quan hệ.
Trước ý nghĩa đó, nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2021, Hội LHPN thành phố Hải Phòng tiếp tục lựa chọn đẩy mạnh xây dựng mô hình phổ quát toàn thành phố, mang sắc thái riêng, đặc trưng của Hội. Đó là các mô hình 3 tốt “tiết kiệm, tương trợ, dạy con tốt”, “địa chỉ tin cậy cộng đồng”, “tổ phụ nữ 5 không 3 sạch” và tổ tư vấn hôn nhân gia đình - phòng chống xâm hại trẻ em được triển khai sâu rộng trên toàn thành phố, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cuộc vận đồng “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống gia đình văn hoá”, xây dựng gia đình đạt tiêu chí “no ấm - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc” có sức tác động mạnh mẽ trong việc hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đáng chú ý, năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, Hội LHPN thành phố Hải Phòng tập trung thực hiện chủ đề Ngày Gia đình năm 2021 thông qua việc tuyền truyền, hướng dẫn các hội viên, phụ nữ giữ bình an trong chính gia đình mình qua việc thực hiện tích cực, nghiêm túc thông điệp “5P”. Đó là: Phòng vệ (tự phòng vệ trước dịch bệnh: Thực hiện 5K của Bộ Y tế; vệ sinh, thể thao, bổ sung dinh dưỡng nâng cao sức khoẻ; hạn chế đi chợ, đi cách ngày hoặc mua sắm online); Phổ cập (phổ cập kiến thức, cung cấp thông tin chính thống về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới); Phát hiện (cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng các trường hợp từ vùng dịch hay khai báo không đúng sự thật); Phục hồi (hỗ trợ hội viên, phụ nữ, người dân phục hồi kinh tế sau dịch); Phối hợp (cùng với các ban, ngành liên quan, đoàn thể địa phương, phòng chống dịch bệnh)./.
Nguồn: Báo Hải Phòng cuối tuần
- Phân loại rác thải từ nguồn: ý thức người dân là quan trọng nhất (08/12/2021)
- Người dân hạn chế di chuyển khi F0 tăng nhanh (08/12/2021)
- “Tín dụng đen online” và nỗi ám ảnh trò “khủng bố” đòi nợ (29/11/2021)
- Làng nghề bánh đa Kinh Giao - nét văn hóa đặc trưng của thành phố biển Hải Phòng (27/10/2021)
- Cần có thêm “ranh giới” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch (06/10/2021)
- Vui mừng nhưng không chủ quan (30/09/2021)