Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 86
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Phát triển văn hóa đọc ở nông thôn (29/10/2013)

Văn hóa đọc là động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại. Văn hóa đọc định hướng đọc cho mọi người dân, tuỳ thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống của mình góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực.

Thông qua văn hóa đọc, người dân vùng nông thôn có thể thực hiện tốt vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại; chủ động, sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội ở nông thôn; trực tiếp trong phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất nông nghiệp, nông thôn; tích cực, sáng tạo trong xây dựng và gìn giữ đời sống văn hoá-xã hội, môi trường ở nông thôn... 

Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện; có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Muốn xây dựng nông thôn mới thành công, mỗi người dân nông thôn phải luôn năng động áp dụng những cái mới, tiến bộ vào sản xuất, cộng thêm ý chí tự lực tự cường, tinh thần ham học hỏi và sự năng động, nhanh nhạy tiếp thu tiến bộ của khoa học - kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Họ không chỉ làm giàu cho gia đình mình, mà còn góp phần xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp để xứng đáng là những nông dân thời đại mới.

Văn hóa đọc là công cụ để nâng cao dân trí, như chìa khóa vạn năng tháo gỡ mọi khó khăn. Thông qua văn hóa đọc, người dân có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống của mình. Văn hóa đọc có thể giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn.

Ngoài những mặt mạnh người dân có được là cái cần cù chịu khó, bà con ở nông thôn vẫn còn xa lạ với các công cụ thông tin, chưa có thói quen tìm hiểu và tiếp cận thông tin, vì chưa thấu hiểu về lợi ích của thông tin. Trong khi đó, nếu tiếp cận tốt thông tin sẽ mang đến cho người dân những lợi ích vô cùng to lớn.

Hiện nay khi người dân nông thôn cần giải đáp vấn đề gì thường đi đến trụ sở UBND để tư vấn dẫn đến quá tải có đôi khi không đáp ứng hết nhu cầu của người dân nẩy sinh nhiều vấn đề khi tiếp xúc không hài lòng với nhau… và có những vấn đề phát sinh trong cuộc sống hàng ngày rất tế nhị không thể hỏi được…

Việc chăm đọc sách báo, tự tìm hiểu, học hỏi, tiếp cận với các công cụ truyền tin giúp người dân thấy tự tin trong các mối quan hệ cũng như đời sống hàng ngày và thực hiện tốt quyền làm chủ của mình trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là con đường góp phần thay đổi lối sống và mức sống của người nông dân.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ VH-TT&DL