Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 25213 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Phẫu thuật 3D giúp bệnh nhân thoát khuyết tật (24/03/2021)
Công nghệ 3D được ví như một phép màu, cứu giúp nhiều bệnh nhân bị tổn thương khớp khuỷu tay, mất vận động hoặc phải cắt đoạn xương bị u, ung thư phức tạp, được trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Ca phẫu thuật thay khớp khuỷu tay cho một bệnh nhân do GS.TS Trần Trung Dũng và ekip thực hiện.
Một bệnh nhân 52 tuổi, ở Hải Dương, do tai nạn giao thông bị gãy xương bả vai trái, mất da rộng vùng khuỷu trái, chấn thương ngực. Sau khi được điều trị và phẫu thuật nhiều lần, các tổn thương của bệnh nhân dần liền da nhưng cánh tay không thể gập duỗi cẳng tay, lật ngửa cổ tay. Bệnh nhân được chẩn đoán dính khớp khuỷu tay trái do di chứng chấn thương.
Một bệnh nhân khác bị u bào khổng lồ - một loại ung thư xương cánh tay. Với giải pháp truyền thống cách đây 2 năm trở về trước, bệnh nhân chỉ có thể can thiệp cắt bỏ đoạn xương bị u và làm cứng khuỷu với mục đích duy nhất là giữ lại cánh tay, còn chức năng của tay thì gần như không có. Bệnh nhân này còn rất trẻ và luôn khát khao mong ước đôi tay của mình được vận động trở lại như người bình thường.
Tại Hội thảo phẫu thuật thay khớp khuỷu điều trị hạn chế vận động khuỷu tổ chức mới đây tại Hà Nội, GS.TS Trần Trung Dũng, Trưởng phân môn Chấn thương chỉnh hình, Bộ môn Ngoại, Trường ĐH Y Hà Nội, chia sẻ, hai bệnh nhân trên là 2 trong 10 trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được phẫu thuật thay khớp khuỷu dựa trên hoàn toàn công nghệ 3D trong 2 năm nay. 10 ca bệnh có tình huống, bệnh cảnh, lâm sàng khác nhau nhưng đến nay, tỷ lệ thành công của 10 ca đạt 100%.
“Ngoài 2 ca bệnh trên, một bệnh nhân khác bị dị tật tay dẫn đến cứng khuỷu tay, không thể vận động và phải sống chung với dị tật 26 năm nay. Mặc dù gia đình bệnh nhân đã tìm kiếm sự hy vọng khắp nơi, thậm chí sang Anh để điều trị nhưng đều vô vọng. Xương của bệnh nhân lúc đầu như rễ cây, rất khó phẫu thuật, tuy nhiên, nhờ công nghệ 3D, với các phương án tính toán chuẩn xác đến từng mm, bệnh nhân đã được thay khớp khuỷu thành công và ước mơ sau 26 năm của bệnh nhân đã thành hiện thực”, GS Trần Trung Dũng chia sẻ thêm.
Trên thế giới, kỹ thuật này được thực hiện nhiều ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, trong đó Mỹ là quốc gia đầu tiên thực hiện kỹ thuật này. Tuy nhiên, đến nay, cả thế giới cũng mới chỉ mổ được khoảng 4.000 ca. Đây là một kỹ thuật hoàn toàn mới, ở châu Á, theo các công bố quốc tế, kỹ thuật này mới chỉ thực hiện ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và một số quốc gia khác.
Tại Việt Nam, kỹ thuật này mới bắt đầu áp dụng 2 năm trở lại đây và được chỉ định cho những bệnh nhân bị tổn thương khớp khuỷu do chấn thương hoặc bệnh lý. Trong đó các chấn thương như bị cứng khuỷu, mất vận động, khớp dính thành khối, không thể phân biệt được xương cánh tay hay xương trụ, các trường hợp không cứng dính nhưng bị mất đoạn xương, mất cấu trúc khớp. Các trường hợp bệnh lý được chỉ định thay khớp khuỷu như ung thư, các thể loại u.
“Với những bệnh nhân u thì phẫu thuật thay khớp khuỷu sẽ phức tạp hơn vì khi cắt xương bị u, có thể sẽ phải cắt thêm đoạn đầu trên hoặc đoạn đầu dưới khuỷu tay, nên việc thiết kế xương và khuỷu riêng cho bệnh nhân cũng sẽ phức tạp hơn nhiều”, GS Trần Trung Dũng cho biết.
Với kỹ thuật này, thông qua công nghệ 3D, các khớp khuỷu và xương thay thế sẽ được thiết kế dành riêng cho từng bệnh nhân, do các kích thước xương, đường kính ống tủy… của mỗi bệnh nhân khác nhau, thậm chí các bác sĩ phải mất 3 tháng để thiết kế, đo đạc các kích thước chi tiết chính xác đến từng mm và in 3D cho bệnh nhân. Chính điều này cũng đang phản ánh xu hướng điều trị cá thể hóa trên thế giới hiện nay.
Theo GS Trần Trung Dũng, khó khăn lớn nhất của kỹ thuật này là phải đo khớp và xương theo độ dài của từng bệnh nhân, bề dài, bề rộng chiều dài ống tủy… nếu không giải quyết được bài toán đo đạc, thiết kế này thì không thể thực hiện được. Thậm chí, trước khi mổ thật, các bác sĩ còn phải thực hành mổ trên mô hình 3D xem cắt phần xương tới đâu, cắt bao nhiêu mm và đặt khớp sâu đến đâu… Tất cả các phương án tính toán, dẫn đường mổ bằng robot… đều thông qua công nghệ 3D nên các sai số trong phẫu thuật gần bằng 0.
Nhờ công nghệ 4.0, khả năng tiếp cận công nghệ giữa các quốc gia gần như ngang nhau. Chính vì vậy, Việt Nam đã cũng làm chủ được chất liệu khớp phẫu thuật thay thế cho bệnh nhân. Từ đó, chi phí cho một ca phẫu thuật này chi phí chỉ từ 100-150 triệu đồng.
Trước đây, với những bệnh nhân bị tổn thương khớp khuỷu tay do chấn thương hoặc bệnh lý như ung thư, cơ bản các phương pháp điều trị chỉ có thể giữ lại cánh tay, còn chức năng vận động hoàn toàn bị mất.
Cũng theo GS Trần Trung Dũng, hiện nay, số lượng bệnh nhân bị di chứng sau chấn thương rất nhiều, các khớp khuỷu bị cứng không thể sinh hoạt bình thường, độ tuổi của các bệnh nhân còn rất trẻ. Giải pháp kỹ thuật này sẽ giúp nhiều bệnh nhân “thoát” dị tật để có thêm cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn: Thúy Hà/vietnamplus.vn
Ngày cập nhật: 20/03/2021
https://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Phau-thuat-3D-giup-benh-nhan-thoat-khuyet-tat/426340.vgp
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)