Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 61524 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Phương pháp đột phá phát hiện biến thể SARS-CoV-2 trong nước thải (27/07/2021)
Các nhà nghiên cứu tại Liên minh Nghiên cứu và Công nghệ Singapore-MIT (SMART), trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) (Singapore) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) (Hoa Kỳ) đã phát triển thành công phương pháp phát hiện phân tử mang tính sáng tạo và ở dạng mã nguồn mở để tìm ra và định lượng biến thể B.1.1.7 (Alpha) của SARS-CoV-2. Bước đột phá này mở đường cho việc theo dõi các biến thể SARS-CoV-2 khác trong nước thải một cách nhanh chóng và ít tốn kém.
Thế giới vẫn đang phải gồng mình chống COVID-19, đặc biệt gần đây là sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 với khả năng lây lan mạnh và nguy hiểm hơn cho thấy sự cần thiết phải phát triển các phương pháp tiện dụng để theo dõi các biến thể của virus. Hiện nay, các biến thể được xác định bao gồm biến thể B.1.17 (Alpha) được xác định đầu tiên ở Vương quốc Anh và biến thể B.1.617.2 (Delta) được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.
Quan trắc nước thải đã nổi lên như một công cụ y tế công cộng quan trọng để theo dõi đại dịch SARS-CoV-2 theo cách an toàn và hiệu quả mà không xâm lấn, cung cấp thông tin bổ sung cho phép các cơ quan y tế đưa ra hành động phù hợp ở cấp cộng đồng. Gần đây, các mảnh virus của SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong các khu dân cư tại Singapore thông qua chương trình quan trắc nước thải chủ động. Thông tin này, cùng với hoạt động kiểm tra giám sát, cho phép Bộ Y tế Singapore (BYT) nhanh chóng phản ứng, cô lập và tiến hành các xét nghiệm sàng lọc như một phần của các biện pháp phòng ngừa.
Tuy nhiên, việc phát hiện các biến thể thông qua quan trắc nước thải còn ít phổ biến do những thách thức của công nghệ hiện có. Công nghệ giải trình tự thế hệ mới (NGS) được sử dụng để quan trắc nước thải, mất nhiều thời gian và tốn kém. Ngoài ra, công nghệ cũng thiếu độ nhạy cần để phát hiện các biến thể nồng độ thấp trong các mẫu nước thải pha loãng và hỗn tạp do phạm vi lập trình tự không nhất quán và/hoặc thấp.
Phương pháp đột phá mới giải quyết những thách thức nêu trên và mở rộng tiện ích quan trắc nước thải ngoài thử nghiệm SARS-CoV-2, hướng tới theo dõi sự lan tràn của các biến thể SARS-CoV-2 đáng lo ngại. Trong báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology Letters, các nhà khoa học đã giải thích phương pháp phát hiện phân tử mang tính sáng tạo và ở dạng mã nguồn mở dựa vào RT-qPCR dành riêng cho alen (dạng cụ thể của một gen và có chức năng di truyền nhất định) để phát hiện và định lượng biến thể B.1.1.7 (Alpha). Thí nghiệm với các mẫu nước thải thu thập từ 19 cộng đồng ở Hoa Kỳ cho thấy, công nghệ mới có thể phát hiện và định lượng một cách đáng tin cậy biến thể B.1.1.7 (Alpha) nồng độ thấp với phản ứng chéo thấp và tỷ lệ biến thể ở mức 1 % trong hỗn hợp vi-rút SARS-CoV-2.
Phương pháp mới nhằm vào các đột biến protein cầu gai có khả năng dự báo chính xác biến thể B.1.1.7 (Alpha), nên có thể được áp dụng bằng cách sử dụng các giao thức RT-qPCR có sẵn trên thị trường. Không giống như các sản phẩm thương mại trên thị trường sử dụng đầu đo độc quyền để quan trắc nước thải, phương pháp mới ở dạng mã nguồn mở nên các tổ chức và viện nghiên cứu có thể sử dụng miễn phí để quan trắc SARS-CoV-2 và các biến thể của nó trong nước thải.
Công nghệ mới hiện đang được Biobot Analytics, công ty hàng đầu thế giới về dịch tễ học nước thải có trụ sở tại Massachusetts, Hoa Kỳ, sử dụng cho các bang và địa phương trong cả nước. Qua đó, họ có thể phân tích các mẫu nước thải để phát hiện biến thể B.1.1.7 (Alpha) và dự kiến bổ sung các biến thể để tiến hành phân tích.
Nhóm nghiên cứu hiện đang triển khai các thử nghiệm cụ thể để phát hiện và định lượng biến thể B.1.617.2 (Delta) của SARS-CoV-2 đang gây nhiều lo ngại.
Nguồn: N.P.D/vista.gov.vn
Ngày cập nhật: 26/7/2021
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)