Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 44976
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh trọng điểm khu vực phía Bắc (25/10/2024)

Với tiềm năng phát triển và lợi ích to lớn đang mang lại, ngành nuôi trồng thuỷ sản đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của các địa phương khu vực phía Bắc. Tuy nhiên hiện nay, môi trường nuôi thủy sản ở các vùng nuôi trồng thủy sản chủ lực như nuôi tôm, nhuyễn thể, nuôi lồng, nuôi cá biển, nuôi cá nước lạnh đang bị suy thoái và có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát với các nguyên nhân như vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp, cũng như hoạt động nuôi trồng thuỷ sản không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ảnh hưởng không ít đến nuôi trồng thuỷ sản.  Từ những thực trạng và kết quả trên, một yêu cầu bức thiết được đặt ra đó là duy trì hoạt động quan trắc, cảnh báo và khuyến cáo kịp thời khi xuất hiện các yếu tố môi trường bất thường và mối nguy dịch bệnh đối với các đối tượng nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản. Kết quả từ hoạt động quan trắc sẽ cung cấp được nguồn dữ liệu liên tục về diễn biến môi trường của các vùng nuôi theo từng thời điểm để phục vụ công tác dự báo của cơ quan quản lý, từ đó có thể đưa ra các chỉ đạo, biện pháp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại về kinh tế cho người nuôi, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường cho cộng đồng. Đề tài Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh trọng điểm khu vực phía Bắc do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Hữu Nghĩa làm chủ nhiệm góp phần giải quyết thực trạng trên.

Các điểm quan trắc định kỳ vùng nuôi nhuyễn thể năm 2022.

Nhiệm vụ đã hoàn thành thực hiện quan trắc định kỳ tại 35 điểm, bao gồm 13 điểm tại nguồn nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Thừa Thiên Huế; 11 điểm tại vùng nuôi ngao/nhuyễn thể tại các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa và Quảng Ninh; 11 điểm tại vùng nuôi cá lồng tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái và Hải Dương. Đồng thời đã thực hiện công tác giám sát môi trường và bệnh tại 6 ao nuôi tôm đại diện thuộc hai tỉnh Nam Định và Hà Tĩnh.

Nghiên cứu cũng tiến hành quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản; trong đó đã thực hiện 24 đợt quan trắc, phân tích 312 mẫu nước nguồn cấp phục vụ nuôi tôm nước lợ. Giá trị độ kiềm trong nước có xu hướng giảm, có nhiều thời điểm trong năm có giá trị không phù hợp để cấp nước, đặc biệt tại Quảng Trị trong suốt mùa vụ, các điểm Thuận An - Thừa Thiên Huế, Quảng Thuận - Quảng Bình, Hộ Độ - Hà Tĩnh cần lưu ý vào các tháng 6 - 8 và các tháng cuối năm. Độ mặn các tại các điểm quan trắc Thuận An, 2 điểm tại Quảng Trị, Hộ Độ - Hà Tĩnh và Quảng Thuận có biến động lớn. Mật độ Vibrio tổng số cao hơn so với các năng trước và có xu hướng tăng cao vào các tháng 6 - 8, cần có biện pháp khử trùng nước trước khi cấp vào ao nuôi để tiêu diệt mầm bệnh Vibrio spp. Mật độ Coliform rất cao ở các điểm quan trắc, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt trông thời gian từ tháng 6 - 8, cần theo dõi và tìm nguồn ô nhiễm để có biện pháp xử lý hiệu quả. Quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi nhuyễn thể tập trung, đã thực hiện đầy đủ 08 đợt quan trắc nước định kỳ từ tháng 04 - 11 tại 03 tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình và Thanh Hoá. Thu và phân tích 88 mẫu môi trường nước, 216 mẫu nhuyễn thể. Vùng nuôi Thái Bình và Thanh Hoá cần lưu ý có độ mặn biến động rất lớn và ảnh hưởng đến ngao nuôi do nguồn nước ngọt nội đồng và mưa lớn. Thời điểm tháng 6 - 8, ở vùng nuôi nhuyễn thể có mật đô Coliform tổng số cao hơn giới hạn từ 130 - 560 lần, gây nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cần có biện pháp thu gom xử lý chất thải sinh hoạt, xác sinh vật chết, vệ sinh mặt bãi giảm mật độ Coliform. Mật độ Vibrio tổng số có dấu hiệu tăng cao so với các năm trước với mật độ dao động từ 0 - 13.000 CFU/mL, nhuyễn thể nuôi nhiễm vi khuẩn Vibrio spp, trong đó tỉ lệ bắt gặp cao nhất là loài Vibrio alginoliticus vào tháng 4 - 8. Thời điểm tháng 10 đến tháng 2 hàng năm cần thực hiện các khuyến cáo về giảm mật độ nuôi và vệ sinh mặt bãi để hạn chế thiệt hại do thời tiết cực đoan đối với vùng nuôi ngao. Nhóm nghiên cứu cũng đã thực hiện 07 đợt quan trắc vùng nuôi cá lồng và rô phi tại Hải Dương, Hoà Bình và Yến Bái từ tháng 4 -10, thu và phân tích 77 mẫu nước, 35 mẫu cá rô phi. Chất lượng nước vùng nuôi cá lồng, rô phi khu vực phía Bắc có dấu hiệu ô nhiễm gia tăng. Mật độ và tỉ lệ mẫu có Coliform và Streptococcus tổng số tăng cao so với các năm trước, gây nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch bệnh trên cá rô phi liên quan đến vi khuẩn Streptococcus sp. vào thời điểm tháng 5-8. Các ao nuôi cá rô phi có chất lượng nước xấu, ảnh hưởng của chất thải chăn nuôi và sinh hoạt, xuất hiện tảo độc và cần có biện pháp xử lý vào ban đêm và sáng sớm. Vùng nuôi cá lồng tại Yên Bái cần lưu ý về mầm bệnh TiLV trong tháng 8 - 10 (do đã phát hiện 2 năm liên tiếp 2021 và 2022).

Việc giám sát trong ao nuôi tôm nước lợ cho thấy, trong quá trình nuôi các thông số như N-NH4+, TSS, N-NO2-, COD và Vibrio tổng số nhiều thời điểm có giá trị cao hơn so với các quy định và có ảnh hưởng đến tôm nuôi. Trong đó N-NH4+ có 60% mẫu vượt giới hạn từ 1,1 - 4,0 lần, trung bình 1,7 lần; TSS có 60% mẫu vượt giới hạn từ 1,1 - 3,7 lần, trung bình 1,8 lần; N-NO2- có 30% mẫu vượt giới hạn từ 1,1 - 300 lần, trung bình 76,5 lần; COD có 14,2% mẫu vượt ngưỡng từ 2,3 - 6,8 lần, trung bình 5,1 lần; Vibrio tổng số có 42,8 % mẫu vượt ngưỡng 1000 cfu/mL từ 1,1 - 8,3 lần, trung bình 2,4 lần. Trong vụ nuôi từ tháng 5 đến tháng 7/2022, phát hiện VpAHPND trong nước vào các tuần nuôi thứ 4 và 11 tại Nam Định, VpAHPND trên tôm vào tuần nuôi thứ 7 tại Nam Định và tuần nuôi thứ 11 tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên khi đối chiếu với kết quả quan trắc nguồn nước cấp trong 07 tháng năm 2022 thì cho thấy nguồn bệnh VpAHPND trong ao nuôi không phải xuất phát từ đợt nguồn cấp lấy. Vi khuẩn VpAHPND có thể từ nguồn khác xâm nhập vào trong ao nuôi giám sát. Do đó các cơ sở nuôi cần có biện pháp quản lý tốt hơn, hạn chế người lạ ra vào khu nuôi, bố trí lưới bảo vệ để hạn chế các sinh vật có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài vào ao nuôi như cua, còng, chim… Các ao nuôi giám sát có năng suất dao động từ 2,5 - 10 tấn/ha.

Từ các nghiên cứu trên, nhóm tác giả cũng kiến nghị cần theo dõi các chỉ tiêu Coliform, Vibrio tổng số ở nước nguồn cấp tôm nước lợ; Coliform và Streptococcus tổng số ở vùng nuôi cá nước ngọt, Coliform và Vibrio tổng số trong nước vùng nuôi nhuyễn thể để có thêm căn cứ đánh giá và đưa ra quy luật biến động nhằm đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp. Tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục phê duyệt nội dung quan trắc đột xuất khi xuất hiện hiện tượng thuỷ sản chết bất thường. Đây là nội dung quan trọng, cần thực hiện ngay để có thông tin và thu mẫu đảm bảo chất lượng phục vụ việc tìm nguyên nhân và phương hướng giải quyết sự cố. Bổ sung chỉ tiêu vi khuẩn Aeromoans tổng số, Pseudomonas tổng số đối với quan trắc vùng nuôi cá lồng - cá rô phi để có những cảnh báo sớm đối với các mầm bệnh thuộc 2 nhóm vi khuẩn này. Cần bố trí nguồn ngân sách để ứng dụng AI trong phân tích, khuyến cáo và cảnh báo quan trắc từ nguồn số liệu của nhiệm vụ trong các năm trước. Đầu tư các ứng dụng công nghệ bao gồm hệ thống quan trắc tự động tại các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm cũng như hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu, các ứng dụng chia sẻ trên smartphone để kết quả quan trắc được chuyển tải đến các bên liên quan chính xác và nhanh nhất. Xây dựng mô hình dự báo diễn biến môi trường bệnh cho các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng./.