Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5590
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN

Sản xuất lúa nếp xoắn Tân Trào thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (24/07/2024)

Giống lúa nếp xoắn Tân Trào được Trung tâm Tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu phục tráng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2016. Lúa nếp xoắn có thời gian sinh trưởng trung bình trong khoảng từ 150-155 ngày tính từ khi trồng, dễ trồng trọt, canh tác, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và phong tục, tập quán canh tác của người dân; trung bình có thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/vụ gấp 2- 3 lần so với cấy lúa tẻ tại địa phương. Sản phẩm gạo nếp xoắn Tân Trào được sản xuất theo quy trình đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ yếu tiêu thụ tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và nội thành Hải Phòng, một phần để chế biến nấu rượu nếp.

Với mục tiêu xây dựng được vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển những sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao và phát triển bền vững, nhận thấy Tân Trào có nhiều điều kiện để sản xuất lúa hàng hóa tập trung, phục vụ xây dựng nhãn hiệu tập thể nếp cái xoắn nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và địa phương, Ủy ban nhân dân xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy đã tổ chức triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa nếp xoắn Tân Trào thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

Kiểm tra thực địa mô hình.

Dự án đã tiếp nhận chuyển giao 02 quy trình công nghệ từ Trường Đại học Hải Phòng: Quy trình ngâm ủ, gieo mạ, cấy, chăm sóc, phòng trừ dịch hại và thu hoạch lúa nếp xoắn theo tiêu chuẩn VietGAP trong vụ mùa năm 2019 tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (kỹ thuật áp dụng ngâm, ủ hạt giống, gieo và chăm sóc mạ; kỹ thuật canh tác và chăm sóc lúa; sử dụng phân bón; kỹ thuật điều tiết nước; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; kỹ thuật áp dụng trên ruộng sản xuất đại trà) và Quy trình quản lý, truy xuất nguồn gốc sản xuất lúa nếp xoắn theo tiêu chuẩn VietGAP trong vụ mùa năm 2019 tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (kỹ thuật xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nội bộ đáp ứng yêu cầu áp; biện pháp kỹ thuật quản lý, truy xuất nguồn gốc áp dụng vào mô hình sản xuất lúa nếp xoắn theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn người sản xuất thực hành và ghi chép hồ sơ theo VietGAP; hướng dẫn và thực hiện đánh giá nội bộ, thực hiện hành động khắc phục (nếu có); ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; kiểm tra nội bộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Để triển khai dự án, 05 cán bộ kỹ thuật cơ sở được đào tạo nắm vững quy trình kỹ thuật; 240 lượt người được hướng dẫn kỹ thuật trong vùng triển khai. Dự án đã xây dựng và triển khai thực hiện 02 mô hình tại thôn Kỳ Sơn xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy. Theo đó, mô hình ngâm ủ, gieo mạ, cấy, chăm sóc, phòng trừ dịch hại và thu hoạch lúa nếp xoắn theo tiêu chuẩn VietGAP trong vụ mùa năm 2019 được thực hiện với quy mô 74 hộ nông dân, trên diện tích 50.000 m2. Kết quả cho thấy, tỉ lệ nảy mầm của hạt giống lúa nếp xoắn đạt từ 90-95%; trong đó hạt giống của mô hình có tỉ lệ nảy mầm cao hơn so với đối chứng của người dân là 5% do thóc trong mô hình được chọn lọc, xử lý tốt trước khi ngâm ủ làm cho tỉ lệ nảy mầm cao hơn. Thời gian từ gieo mạ đến mạ đủ tuổi cấy lá dao động trong khoảng 30-35 ngày, trong đó mạ trong mô hình đủ tiêu chuẩn khi đạt 30 ngày.
Chiều cao cây mạ biến động từ 40-45cm, chiều cao này không có sự thay đổi giữa ruộng mạ trong mô hình và ruộng mạ nông dân không tham gia mô hình. Số lá trong thay đổi từ 6,0- 6,5 lá; số nhánh đẻ từ 1- 2 nhánh, cây mạ sinh trưởng tốt, lá xanh nhạt và đậm. Như vậy, đặc điểm sinh học cây mạ nếp xoắn Tân Trào gieo trong mô hình và tại hộ nông dân không tham gia mô hình (sản xuất đại trà) không có sự sai khác lớn; tuy có số nhánh, màu sắc lá khác một chút do nông dân ngoài mô hình thường bón đạm muộn và không bón phân lót. Kết quả triển khai mô hình cũng cho thấy, thời gian sinh trưởng ở 2 địa điểm triển khai thay đổi từ 150-152 ngày, trong đó ruộng mô hình có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 2 ngày so với sản xuất đại trà; chiều cao cây cuối cùng của cây lúa ở sản xuất đại trà và mô hình thay đổi từ 145,5-147,5 cm; tổng số lá thay đổi từ 15,0-15,2 lá/thân; số lá xanh thay đổi từ 4,0-4,6 lá; sự thay đổi về chiều cao, tổng số lá, số lá xanh và màu sắc lá khi bón các loại phân khác nhau có sự sai khác nhỏ, khó phân biệt sự khác nhau. Về năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất lúa, kết quả thực nghiệm ở ruộng sản xuất đại trà so với ruộng trong mô hình có sự thay đổi rõ rệt tới số bông/khóm, cụ thể số bông thay đổi từ 14,0 đến 15,0 bông; số hạt/bông thay đổi từ 180-185 hạt/bông; tỉ lệ hạt chắc từ 82,5-85,0% các yếu tố cấu thành năng suất lúa của ruộng mô hình cao hơn ruộng của nông dân từ 2,7-7,0% tùy theo các chỉ tiêu. Các yếu tố cấu thành năng suất thay đổi, do vậy năng suất lý thuyết cũng thay đổi từ 6.237-7.076,3 kg/ha, trong đó ruộng mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà tới 13,4% và năng suất thực thu cũng biến động từ 5.114-5.661 kg/ha (tương đương từ 184-204
kg/sào Bắc Bộ), do vậy năng suất thực thu ở ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng là 10,7%. Sản phẩm lúa nếp xoắn thu được từ mô hình là 28,3 tấn/5ha. Sản lượng này cao hơn so với thuyết minh, hợp đồng được phê duyệt là 6,3 tấn tương đương 28,6%. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về chất lượng gạo giữa ruộng mô hình và ruộng sản xuất đại trà có sự thay đổi nhỏ, thậm chí không có sự thay đổi, điều này chứng tỏ các loại phân bón, cách bón phân và kỹ thuật khác áp dụng trong mô hình có ảnh hưởng không đáng kể đến chất lượng gạo thương phẩm. Các chỉ tiêu phân tích về chất lượng dinh dưỡng và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mẫu gạo nếp xoắn Tân Trào tại mô hình đều đảm bảo các tiêu chuẩn quy định của Việt Nam tại Thông tư số 50/2016/TT-BYT về ngưỡng an toàn Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và QCVN 8-2:2011/BYT về ngưỡng an toàn Dư lượng kim loại nặng trong thực phẩm của Bộ Y tế ban hành. Mô hình quản lý, truy xuất nguồn gốc sản xuất lúa nếp xoắn theo tiêu chuẩn VietGAP trong vụ mùa năm 2019, quy mô 74 hộ nông dân, thực hiện trên diện tích 50.000 m2 với sản phẩm lúa nếp thu được là 28,3 tấn/5ha. Ban chủ nhiệm dự án, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Tân Trào và cơ quan chuyển giao công nghệ đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nội bộ đáp ứng yêu cầu áp dụng VietGAP và tổ chức 01 lớp tập huấn cho 120 người nông dân về hệ thống các quy định nội bộ phù hợp với điều kiện thực tế trong quá trình sản xuất gồm: Quy chế hoạt động sản xuất lúa nếp xoắn Tân Trào theo tiêu chuẩn VietGAP; Quy định mã số lô, tem nhãn, ghi nhãn sản phẩm; Quy định về tiếp nhận và giải quyết khiếu nại; Hướng dẫn về an toàn lao động trong sản xuất; Hướng dẫn sơ cấp cứu khi bị ngộ độc hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Các biện pháp kỹ thuật quản lý, truy xuất nguồn gốc áp dụng vào mô hình sản xuất lúa nếp xoắn theo tiêu chuẩn VietGAP như: đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất; quản lý đất và nước tưới; áp dụng Quy trình thực hành sản xuất Nông nghiệp tốt (VietGAP) cho lúa (quản lý giống lúa, kỹ thuật quản lý và ghi chép phân bón, hóa chất bổ sung; kỹ thuật quản lý và ghi chép thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bổ sung; kỹ thuật quản lý và ghi chép khi thu hoạch, bảo quản; người lao động). Dự án cũng hỗ trợ các hộ dân thiết lập hồ sơ đăng ký theo quy định của Tổ chức chứng nhận VietGAP được chỉ định. Kết quả, 5 ha lúa của 74 hộ dân đều được Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 1 cấp chứng nhận VietGAP (VietGAP-NAFI1-31-004).

Tính toán hiệu quả kinh tế các mô hình mang lại, với giá bán thóc của mô hình sản xuất cao hơn sản xuất đại trà 500 đ/kg, lợi nhuận từ mô hình cao hơn sản xuất đại trà 6.237,8 nghìn đồng/ha, tương đương 36,6%. Hạ giá thành sản xuất 1 kg sản phẩm với chi phí sản xuất từ mô hình thấp hơn sản xuất đại trà là 600 đồng/kg tương đương 4,4%.
Từ thực tế triển khai các mô hình, Ban chủ nhiệm dự án đề xuất quy trình và mô hình sản xuất lúa nếp xoắn Tân Trào theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với điều kiện địa phương.
 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả thực hiện dự án tại Trung tâm Thông tin, Thống kê Khoa học và Công nghệ./.