Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 15287
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Sản xuất thử nghiệm chế phẩm thảo dược có hoạt tính kháng khuẩn sử dụng trong thức ăn chăn nuôi (21/04/2025)

Các chất kháng sinh bổ sung vào thức ăn chăn nuôi đã được sử dụng để kích thích sinh trưởng, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và phòng bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi đã gây ảnh hưởng đến chức năng gan thận; tăng hiện tượng dị ứng; xuất hiện và lan truyền hiện tượng kháng kháng sinh ở vi khuẩn; gây khó khăn cho điều trị bệnh ở người và vật nuôi... Tại Việt Nam, thực trạng tồn dư kháng sinh và hiện tượng kháng kháng sinh đều ở mức cảnh báo. Việc cấm sử dụng kháng sinh trở thành xu thế tất yếu trên thế giới mặc dù sẽ gây ra các thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi bởi vì kháng sinh làm tăng hiệu quả chăn nuôi. Giải pháp có tính lợi thế cao nhất là sử dụng các loại thảo dược có tính kháng khuẩn để tận dụng được nguồn tài nguyên cây thuốc. Nhiều công trình nghiên cứu sử dụng thảo dược bổ sung trong thức ăn chăn nuôi đã cho thấy có hiệu quả và tác động rõ rệt trong việc kích thích sinh trưởng và phòng bệnh cho vật nuôi, không ảnh hưởng tới thu nhận thức ăn ở vật nuôi, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và tăng hiệu quả phòng bệnh và tăng chất lượng thịt ở lợn và gia cầm. Tuy nhiên các nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở quy mô thử nghiệm nhỏ. Bên cạnh đó, dạng sử dụng thảo dược thường là dạng thô, hoặc cũng sử dụng quy trình tách chiết dược liệu với dung môi là cồn. Hai yếu tố này vừa làm cho sản phẩm có giá thành cao do dung môi, hoặc dạng bột thô làm cho tỷ lệ bổ sung thảo dược vào khẩu phần cao, gây khó khăn khi đưa vào công thức khẩu phần trong quá trình sản xuất, không khuyến khích được các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng các chế phẩm này nên chưa có lộ trình áp dụng trong sản xuất thức ăn công nghiệp để thay thế kháng sinh. Hiện nay, công nghệ chiết cao dược liệu bằng dung môi nước được ứng dụng nhiều trong sản xuất nguyên liệu làm thực phẩm chức năng sử dụng trên người nhưng chưa được ứng dụng để sản xuất ra chế phẩm thảo dược dùng bổ sung trong thức ăn của vật nuôi. Để giải quyết các vấn đề trên, đơn vị chủ trì là Trường Đại học Hùng Vương đã đề xuất Bộ Khoa học và công nghệ thực hiện dự án Sản xuất thử nghiệm chế phẩm thảo dược có hoạt tính kháng khuẩn sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm đưa ra các thông số quy trình sản xuất chế phẩm đảm bảo tính ổn định về chất lượng hoạt tính thảo dược, kiểm soát, kiểm nghiệm chất lượng chế phẩm, thử nghiệm đưa vào sản xuất thức ăn công nghiệp và xây dựng mô hình ứng dụng trong chăn nuôi ở quy mô trang trại lớn. Dự án do TS. Nguyễn Tài Năng làm chủ nhiệm.

 

Quy trình sản xuất cao thảo dược.

Dự án đã đánh giá hoạt tính kháng khuẩn invitro và invivo trên đường tiêu hóa chuột của 9 loại thảo dược (riềng, cỏ xước, rẻ quạt, cỏ sữa, gừng, rau sam, hành, nghệ, tỏi), đã lựa chọn được 4 loại với phương pháp chiết trong dung môi nước để phục vụ sản xuất là: riềng, rẻ quạt, cỏ xước, cỏ sữa. Đề xuất thành phần chế phẩm gồm 3 loại thảo dược cho gà thịt gồm: riềng, rẻ quạt, cỏ sữa và cho lợn gồm: riềng, cỏ xước, cỏ sữa. Bên cạnh đó, dự án đánh giá được vùng trồng dược liệu tại 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc đều phù hợp để hình thành vùng dược liệu. Phân tích chất lượng dược liệu đầu vào sản xuất, xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở dược liệu phục vụ sản xuất. Hoàn thiện và công bố 04 quy trình sản xuất cao bột (đề xuất tỷ lệ dung môi, phương pháp chiết - sấy, tá dược sử dụng), xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở của cao bột. Kiểm tra chất lượng cao riềng, cao rẻ quạt, cao cỏ xước, cao cỏ sữa, sản xuất được 781,6kg cao. Thí nghiệm trên lợn và gà thịt để lựa chọn công thức chế phẩm, công thức tá dược, hoàn thiện quy trình, xây dựng và ban hành 02 quy trình sản xuất, 02 tiêu chuẩn cơ sở của chế phẩm thảo dược dùng bổ sung trong thức ăn cho lợn và gà thịt.

Nghiên cứu cũng tổ chức khảo nghiệm hiệu quả của chế phẩm trên lợn và gà thịt. Kết quả cho thấy, chế phẩm có thể thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi về các chỉ tiêu: khả năng bảo hộ, tỷ lệ nuôi sống, sinh trưởng, tiêu tốn thức ăn. Tiến hành sản xuất thử nghiệm được 900kg chế phẩm cho lợn và gà thịt, mỗi loại 450kg. Chế phẩm sản xuất được phân tích kiểm tra chất lượng. Sản xuất thử nghiệm được 600 tấn thức ăn bổ sung chế phẩm thảo dược gồm 300 tấn thức ăn cho gà và 300 tấn thức ăn cho lợn. Thức ăn được sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn dinh dưỡng cho vật nuôi. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng 4 mô hình nuôi thử nghiệm bằng thức ăn bổ sung chế phẩm thảo dược trên lợn thịt (2 mô hình, 1.000 con/mô hình tại Hưng Yên) và gà thịt lông màu (2 mô hình, 10.000 con/mô hình tại Phú Thọ và Vĩnh Phúc). Các chỉ tiêu kết quả mô hình cho thấy chế phẩm thảo dược sử dụng có khả năng thay thế và đảm bảo hiệu quả kinh tế so với sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi theo quy định hiện hành.

Trong quá trình thực hiện, Dự án đã đào tạo tập huấn được 46 cán bộ kỹ thuật và công nhân tham gia sản xuất thử nghiệm chế phẩm và thức ăn bổ sung chế phẩm thảo dược, đào tạo 1 thạc sĩ chăn nuôi, 1 kỹ sư chăn nuôi, 1 bác sĩ thú y; đồng thời tổ chức được 2 hội thảo khoa học về thức ăn chăn nuôi thế hệ mới và hiệu quả sử dụng chế phẩm thảo dược với 89 khách mời là các nhà khoa học, doanh nghiệp - đại lý sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, người chăn nuôi; tổ chức được 3 Hội thảo khách hàng với 195 người tham dự để quảng bá về hiệu quả, tác dụng các sản phẩm của dự án và tuyên truyền giải pháp sử dụng thảo dược thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Truyền thông Hải Phòng./.