Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3741
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Sinh đẻ có kế hoạch góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội (30/09/2015)

Gia đình của người Việt nói chung, của đồng bào vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, theo chế độ phụ quyền, có tục lệ thờ cúng tổ tiên, duy trì nòi giống, nên rất coi trọng con trai và vì thế, đề cao vai trò của nam giới. Từ tâm lý “trọng nam kinh nữ” ấy dẫn đến việc phải có con trai bằng được, chưa sinh được con trai thì cứ tiếp tục sinh. Đó cũng là nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính và dân số đặc biệt là khu vực nông thôn.

Hiện nay, nhận thức của người dân đã được nâng cao, công tác cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được chú trọng, ngày càng thuận lợi, an toàn, hiệu quả. Các cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình tại các địa phương đã nỗ lực tổ chức các chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao, tạo điều kiện nâng cao nhận thức, cải thiện rõ rệt tình trạng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Việc thực hiện tốt chính sách dân số đã kiểm soát được tốc độ gia tăng dân số. Các chương trình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện. Nhiều gia đình đã nhận thấy được hiệu quả của việc sinh đẻ có kế hoạch, nhận thấy đây là cái gốc để xây dựng một gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Cuộc vận động “mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con” và theo đó là “dù gái hay trai chỉ hai là đủ” được Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình các quận, huyện triển khai thực hiện hàng chục năm qua, đã mang lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống vẫn còn không ít người nhận thức chưa đầy đủ về kế hoạch hóa gia đình, dẫn đến tình trạng, việc sinh con thứ 3 trở lên chủ yếu xảy ra ở những gia đình nghèo, không có điều kiện nuôi dạy con cái.

Dân số đông sẽ là “gánh nặng” kìm hãm sự phát triển của đất nước trên nhiều phương diện. Hệ lụy của những gia đình đông con còn là vấn đề sức khỏe của chị em phụ nữ bị ảnh hưởng khi họ không có nhiều điều kiện chăm sóc bản thân do phải gánh vác công việc gia đình, chăm sóc đàn con quá đông…

Bởi vậy, mỗi gia đình cần căn cứ theo điều kiện thực tế để sinh đẻ có kế hoạch, trước hết là để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình, đảm bảo việc nuôi dưỡng con cái và hướng tới một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, huyện nhà nói riêng. Đầu tư cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững.

Nguồn: PV tổng hợp