Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 28495
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Thí điểm phân loại rác đầu nguồn ở xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy) (07/11/2016)

Trong khi quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác hạn hẹp, việc quy hoạch bãi chôn lấp mới càng khó khăn, vừa qua, xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy) là địa phương cấp xã đầu tiên ở Hải Phòng triển khai thí điểm mô hình phân loại rác đầu nguồn, vừa góp phần bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, vừa có điều kiện thu gom, tái sử dụng chất thải rắn.

Theo Chủ tịch UBND xã Tú Sơn Bùi Văn Tiếp, mặc dù là xã điểm, được ưu tiên trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Kiến Thụy và thành phố, song đến nay, tiêu chí số 17 về môi trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Xã có 9 thôn, với 2.370 hộ, trên 10.500 nhân khẩu, trung bình lượng rác thải ra từ 0,5 - 0,7 kg/người/ngày. Mỗi ngày, các hộ dân thải ra từ 3,5 - 4 tấn rác, trong khi 2 điểm chứa rác của xã nhỏ hẹp,  diện tích 5.000 m2 nằm lộ thiên gần khu dân cư. Vì thế nhiều năm qua, xã chỉ có thể xử lý theo phương pháp đốt hoặc chôn lấp, không bảo đảm vệ sinh môi trường.

 

Bãi rác xã Tú Sơn hiện đang trong tình trạng quá tải, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao

Ông Bùi Văn Bé, thôn Nãi Sơn cho biết: Trước đây, địa phương bố trí lao động thu gom, chôn lấp rác thủ công, sau nhận thấy nhiều bất cập nên hợp đồng Công ty Công trình công cộng du lịch dịch vụ Hải Phòng tại Đồ Sơn hỗ trợ thu gom, đưa về nơi tập kết. Nhưng, do kinh phí của xã đầu tư cho vệ sinh môi trường có hạn, địa phương bị cắt hợp đồng, việc xử lý rác không bảo đảm vệ sinh môi trường khiến người dân bức xúc, chính quyền thì “bó tay”.  Không biết đổ rác ở đâu là nỗi lo luôn hiện hữu đối với chính quyền và người dân Tú Sơn trong nhiều năm qua.  Từ năm 2001, xã lập bãi rác ở giữa Đồng Bạc Ủi, thuộc thôn 5 Nãi Sơn, nhưng do không có tường chắn, không có bể thu nước rỉ rác, cứ 2 ngày đốt rác 1 lần. Mỗi khi có gió đông, khói bụi tạt hết vào làng, người dân khó thở vì ngửi phải khói rác. Sau 15 năm, từ một hố rác sâu 5 - 7 m, nay bãi rác cao như núi, trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Năm 2015, UBND thành phố yêu cầu đóng cửa bãi rác xã Tú Sơn, nhưng do huyện Kiến Thụy chưa quy hoạch, bố trí được bãi rác tập trung, nên những bãi rác tạm như vậy đang tồn tại.

Xuất phát từ yêu cầu xây dựng nông thôn mới, đồng thời cải thiện môi trường sống về lâu dài của địa phương, xã Tú Sơn phối hợp Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Hợp tác xã Môi trường và Dịch vụ thương mại Thành Vinh khởi động dự án “Xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”. Dự án có công suất 5 - 10 tấn/ngày, do Hợp tác xã Thành Vinh làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng hỗ trợ 36% kinh phí cho công tác tuyên truyền, tập huấn, truyền thông; cung cấp thiết bị phục vụ phân loại, sản xuất áp dụng công nghệ mới. UBND thành phố và huyện Kiến Thụy hỗ trợ 45% kinh phí  thông qua việc cấp đất cho dự án, hỗ trợ lắp điện, nước, xây lắp. Còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư (1,5 tỷ đồng).

Đây là mô hình thu gom, phân loại triệt để rác thải sinh hoạt tại nguồn, sau đó tiếp tục phân loại tại khu xử lý với 50% rác hữu cơ xử lý thành phân compost, 5% rác tái sử dụng, số rác còn lại chôn lấp, đốt. Bà Đoàn Thị Mơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Hợp tác xã Thành Vinh cho biết, dự án trang bị 7.161 thùng phân loại rác thải rắn tận hộ dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Hợp tác xã thỏa thuận giá thu mua chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng, đồng thời thu gom, vận chuyển chất thải rắn được phân loại đến khu xử lý tổng hợp. Tại đây, rác hữu cơ được ủ vi sinh 1 tháng, xử lý thành phân compost. Số còn lại được chôn lấp hoặc thiêu đốt hợp vệ sinh theo quy chuẩn.

Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng: Để dự án đi vào hoạt động mang lại thành công, cùng với áp dụng công nghệ Nhật Bản, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân là cần thiết, nhằm giúp họ tự giác phân loại rác từ đầu nguồn. Chuyên gia Nhật Bản Hirata, người có 10 năm kinh nghiệm quản lý chất thải rắn, thuộc Dự án hợp tác kỹ thuật, quản lý tổng hợp chất thải rắn các đô thị Việt Nam chia sẻ: Từ kinh nghiệm phân loại rác tại Hà Nội, chúng tôi tiến hành thảo luận, tìm ra điểm mấu chốt để khắc phục việc phân loại chất thải rắn tại nguồn. Khác với các mô hình trước đây, mô hình tại xã Tú Sơn thống nhất một đơn vị thực hiện từ thu gom, vận chuyện đến xử lý, do vậy, rác được phân loại triệt để tại nguồn, khi thu gom, vận chuyển không bị trộn chung, làm giảm hiệu quả của hệ thống xử lý rác thải. Bà Bùi Thị Thảnh (đội 4, thôn Nãi Sơn) phấn khởi cho biết, sau khi được tập huấn, hướng dẫn về phân loại rác, bà không cảm thấy ngại khi nhà có đến 3 thùng rác thay vì chỉ 1 thùng rác như trước đây. “Quan trọng hơn là gia đình tôi không phải chịu đựng mùi khói rác độc hại, còn thu được phân bón chăm sóc vườn cây, bản thân tôi cũng có ý thức hơn trong việc phân loại rác, đồng thời vận động bà con áp dụng rộng rãi mô hình này.

Hy vọng, thời gian tới, những mô hình có hiệu quả này sẽ được nhân rộng, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia, góp phần trả lại bầu không khí trong lành đặc trưng của làng quê.

 

Nguồn: Báo Hải Phòng