Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 28861 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Thử nghiệm vaccine ngừa ung thư trên chó (09/07/2019)
Ung thư ở chó khá giống với ung thư ở người, chủ yếu do môi trường sống tương đồng. Bên cạnh đó, chó không sống lâu như người nên các nhà khoa học sẽ thu được kết quả sau 3-5 năm thay vì 10-30 năm.
Ông Stephen Johnston, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Y học, Đại học Arizona State (Mỹ).
Ông Stephen Johnston, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Y học, Đại học Arizona State (Mỹ), đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine ung thư trên hàng trăm con chó nhằm kiểm tra xem liệu vaccine có làm chậm hoặc phòng ngừa một số bệnh ung thư ở những con chó già khỏe mạnh hay không. Nếu thành công, đây sẽ là nền móng để phát triển vaccine ung thư cho người.
Để tạo ra vaccine ung thư cho chó, ông Johnston cùng đội ngũ đã sàng lọc 800 con chó bị ít nhất một trong 8 loại ung thư thường thấy ở loài vật này. Họ xác định được vài trăm neoepitopes mà khối u thuộc cả 8 loại ung thư đều có chung và sử dụng 31 loại để phát triển vaccine. Neoepitopes là thành phần của tế bào ung thư mà hệ miễn dịch có thể nhắm đến.
Trước khi tiến hành thử nghiệm, bác sĩ thú y sàng lọc các chú chó tình nguyện để bảo đảm chúng không gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào. Một nửa số chó được tiêm vaccine, nửa còn lại được tiêm giả dược. Cả chủ nhân lẫn bác sĩ thú y đều không biết con vật nào được tiêm vaccine nên sẽ không tác động đến kết quả nghiên cứu. Ban đầu, chó được tiêm 4 mũi vaccine và sẽ tiêm nhắc lại hằng năm trong thời gian 5 năm.
Theo ông Johnston, vaccine sẽ ngăn ngừa nhiều loại ung thư bằng cách thúc đẩy hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư sớm hơn. Giá vaccine nằm trong khoảng 100-500 USD, tương đương các loại vaccine bệnh truyền nhiễm.
Ông Doug Thamm, nhà nghiên cứu tới từ Trung tâm Ung thư Động vật, Đại học Colorado State (Mỹ), thành viên dự án, cho biết kết quả thử nghiệm có thể có 2 khả năng. Thứ nhất, chó được tiêm vaccine ít bị ung thư hoặc tiến triển bệnh chậm hơn, có nghĩa là vaccine hiệu quả. Thứ hai, vaccine hoàn toàn không tác dụng, chó được tiêm thuốc vẫn mắc bệnh ung thư như bình thường.
Tuy nhiên, dù hiệu quả hay không, đội ngũ nghiên cứu vẫn còn một chặng đường dài để được chấp thuận thử nghiệm trên người. Thử nghiệm trên động vật thường khó đoán trước và phần lớn các loại thuốc được thử nghiệm trên động vật không bao giờ được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt vì bị coi là không an toàn hoặc không hiệu quả.
Tạo ra vaccine ngăn ngừa ung thư như các loại bệnh truyền nhiễm gần như là điều không thể. Suốt nhiều thập kỷ qua, các công trình khoa học chỉ ra rằng ở cấp độ phân tử, khối u của mỗi cá nhân lại khác nhau. Tuy nhiên, ông Stephen Johnston, cho rằng, cơ may dù chỉ 10% cũng đáng thử.
Thực tế, khái niệm vaccine ung thư đã xuất hiện từ lâu nhưng hầu hết là vaccine điều trị, dùng cho những bệnh nhân đã bị ung thư. Vaccine điều trị thường được cá nhân hóa bằng cách sử dụng tế bào ung thư của người bệnh để tăng cường hệ miễn dịch nên giá thành đắt đỏ, lên tới hơn 100.000 USD mỗi năm.
Đến nay, chỉ có 2 loại vaccine hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư là vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung và vaccine viêm gan B ngừa ung thư gan. Tuy nhiên, các vaccine này hoạt động bằng cách chống lại virus gây ung thư chứ không chống lại ung thư.
Nguồn: BT/ Báo chính phủ
Cập nhật: 25/6/2019
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)