Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 17717 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Tiếp cận mới hứa hẹn điều chế vắc-xin chống lại tụ cầu khuẩn vàng (03/01/2020)
Vi khuẩn Staph (tụ cầu khuẩn vàng) là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng da và cũng chính là một trong những mối nguy hiểm tiềm tàng lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Một điều khiến các bác sĩ đau đầu với những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra đó chính là khả năng kháng kháng sinh của chúng. Hầu hết các tụ cầu vàng đều đề kháng với nhiều loại kháng sinh khác nhau đặc biệt là Penicillin G và một số khác đề kháng với Methicillin. Hiện nay, một vài dòng Staphylococcus aureus còn đề kháng với tất cả các loại kháng sinh trừ Vancomycin, số lượng những dòng này đang ngày một tăng lên khiến việc điều trị những bệnh do vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra càng thêm khó khăn. Các nỗ lực phát triển một loại vắc-xin chống lại Staphylococcus aureus (MRSA) kháng methicillin đã thất bại trước tính phổ biến và khả năng thích ứng kháng sinh của vi khuẩn này.
Tụ cầu khuẩn vàng.
Mới đây, nghiên cứu của Trường Đại học Y - Đại học Washington (St. Louis, Hoa Kỳ) đã giúp giải thích lý do tại sao những nỗ lực trước đây trong việc phát triển vắc-xin chống tụ cầu khuẩn bị thất bại, đồng thời gợi ý một cách tiếp cận mới trong thiết kế vắc-xin. Cách tiếp cận này tập trung vào việc kích hoạt một bộ tế bào miễn dịch chưa được khai thác, cũng như thực hiện tiêm chủng chống tụ cầu khuẩn trong tử cung hoặc trong vài ngày đầu sau khi sinh.
Nghiên cứu thử nghiệm trên chuột đã phát hiện ra rằng các tế bào T là một trong những loại tế bào miễn dịch đặc hiệu cao của cơ thể, có vai trò quyết định trong việc bảo vệ chống lại vi khuẩn tụ cầu. Hầu hết các loại vắc-xin chỉ dựa vào việc kích thích loại tế bào miễn dịch chính khác là tế bào B để tạo ra kháng thể để tấn công các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn. Các phát hiện này mới đây đã được công bố Tạp chí Clinical Investigation.
“Tình trạng nhiễm trùng tụ cầu khuẩn đã trở thành một mối đe dọa sức khỏe lan rộng vì khả năng kháng kháng sinh của chúng rất mạnh. Bất chấp những nỗ lực của cộng đồng y tế, siêu vi khuẩn này đã cho thấy khả năng ‘nhất quán’ trong việc chống lại các kháng sinh điều trị. Phát hiện của chúng tôi cho thấy phản ứng mạnh mẽ của tế bào T là vô cùng cần thiết để bảo vệ chống nhiễm trùng tụ cầu khuẩn”, Tiến sĩ Juliane Bubeck Wardenburg, tác giả nghiên cứu, giám đốc Khoa Chăm sóc Sức khỏe Nhi khoa của Trường Đại học Washington, cho biết.
Tụ cầu khuẩn rất dễ lây lan và nó tồn tại và phát triển mạnh trên da người và có thể lây lan qua tiếp xúc da với da hoặc tiếp xúc qua các bề mặt bị nhiễm khuẩn. Nói chung, vi khuẩn sống vô hại và vô hình ở khoảng một phần ba dân số trên thế giới. Từ nơi cư trú của chúng (trên da), vi khuẩn có thể gây ra vết nở loét đỏ, có mủ. Siêu vi khuẩn này cũng sẽ gây nhiễm trùng tái phát cho khoảng một nửa số nạn nhân của nó. Các chủng tụ cầu khuẩn có thể xâm nhập vào máu, xương hoặc các cơ quan và dẫn đến viêm phổi, tổn thương nội tạng nghiêm trọng và các biến chứng nghiêm trọng khác ở hàng trăm ngàn người mỗi năm. Theo thống kê, đã có hơn 10.000 người chết ở Hoa Kỳ do nhiễm tụ cầu khuẩn kháng thuốc hàng năm.
Theo Bubeck Wardenburg cho biết, sự tập trung vào việc thiết kế vắc-xin Staphylococcus aureus trong 20 năm qua là tạo ra các phản ứng kháng thể chứ không phải là tạo ra các phản ứng của tế bào T cụ thể, Do đó cách tiếp cận mới này cho thấy rất hứa hẹn trong việc có thể tạo ra vắc xin chống lại siêu vi khuẩn tụ cầu vàng này”.
Trong gần 15 năm, Bubeck Wardenburg đã nghiên cứu một loại độc tố duy nhất có tên là alpha-toxin, do tụ cầu khuẩn vàng sản sinh. Độc tố này gây ra các tổn thương mô dưới nhiều dạng nhiễm trùng.
“Một điều quan trọng về độc tố alpha là nó được tìm thấy trong tất cả các chủng tụ cầu khuẩn, có nghĩa là những chủng này kháng lại kháng sinh. Hiểu được điều này cho phép chúng tôi đưa ra các nghiên cứu trên chuột đã kiểm tra tác động của độc tố alpha đối với phản ứng miễn dịch trong nhiễm trùng da nhẹ cũng như nhiễm trùng nghiêm trọng” Bubeck Wardenburg nói.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các tế bào miễn dịch không bảo vệ được cho những con chuột bị nhiễm tụ cầu khuẩn nhẹ trên da. Tuy nhiên, những con chuột tiếp xúc với nhiễm trùng tụ cầu khuẩn đe dọa tính mạng lan trong máu cho thấy đã có sự kích hoạt miễn dịch bảo vệ.
“Chúng tôi phát hiện thấy phản ứng tế bào T mạnh mẽ nhắm vi khuẩn staph trong máu nhưng các tế bào T bị giảm trong nhiễm trùng da do độc tố. Vì nhiễm trùng da là rất phổ biến, chúng tôi nghĩ rằng staph đã sản sinh độc tố alpha-toxin để ngăn chặn cơ thể kích hoạt phản ứng của tế bào T bảo vệ chống lại vi khuẩn”, cô nhấn mạnh.
Bubeck Wardenburg cho biết việc ngăn chặn độc tố trong nhiễm trùng da có thể mang lại phản ứng tế bào T khỏe mạnh.
Những nỗ lực phát triển vắc-xin trước đây tập trung vào người lớn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết, vắc-xin sẽ đạt hiệu quả hơn khi tiêm chủng cho trẻ trước khi trẻ nhiễm tụ cầu khuẩn. Việc tiêm chủng nên xảy ra trước lần đầu bị nhiễm staph nhằm ngăn chặn độc tố và tạo ra phản ứng tế bào T mạnh mẽ.
Nhóm nghiên cứu cho biết, một là tiêm chủng cho phụ nữ mang thai để họ có thể truyền kháng thể bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại độc tố khi sinh. Hai là tiêm chủng cho trẻ sơ sinh trong vòng một hoặc hai ngày sau khi sinh. Cả hai chiến lược này đều cần được xem xét kỹ lưỡng.
Nguồn: P.T.T (NASATI)/www.vista.gov.vn
Cập nhật: 03/01/2020
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)