Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1267
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Tìm thấy dấu ấn sinh học phát hiện trẻ sơ sinh có nguy cơ bị SIDS (19/05/2022)

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định được bất kỳ yếu tố sinh lý cụ thể nào có thể khiến trẻ dễ bị nguy hiểm.

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Úc đã xác định được một dấu ấn sinh học trong máu có liên quan đến chức năng tỉnh thức não, có thể khả năng được dùng để xác định trẻ sơ sinh có nguy cơ bị SIDS cao nhất.

Trong vài năm qua, số ca tử vong ở trẻ sơ sinh do SIDS đã giảm đáng kể do các nhà nghiên cứu đã xác định được ngày càng nhiều các yếu tố môi trường đóng vai trò trong sự kiện kinh hoàng không thể đoán trước này. Nhưng bất chấp những tiến bộ này, SIDS vẫn chiếm khoảng 50% tổng số ca tử vong ở trẻ sơ sinh ở các nước phương Tây.

SIDS được cho là hội chứng đa yếu tố, có nghĩa là có một số yếu tố xảy ra đồng thời khiến một đứa trẻ sơ sinh bị tấn công. Giả thuyết hiện tại để giải thích SIDS có tên là “mô hình ba rủi ro”.

Mô hình này cho thấy ba yếu tố phải kết hợp cùng một lúc để SIDS xảy ra: trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương về mặt sinh lý, giai đoạn phát triển quan trọng và tác nhân gây căng thẳng bên ngoài. Các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố gây căng thẳng bên ngoài góp phần vào nguy cơ SIDS - từ việc ngủ úp mặt đến việc tiếp xúc với khói thuốc lá.

Nghiên cứu mới tập trung vào một loại enzym đặc biệt có tên là butyrlycholinesterase (BChE). Enzyme này đóng một vai trò trong hệ thống kích thích của não và các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng sự thiếu hụt BChE có thể khiến trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương hơn trước các yếu tố khác gây SIDS.

Carmel Harrington, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án, cho biết: “Trẻ sơ sinh có một cơ chế rất mạnh để cho chúng ta biết khi nào chúng không thoải mái. Thông thường, nếu một em bé phải đối mặt với một tình huống nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như khó thở trong khi ngủ vì nằm sấp, chúng sẽ bật dậy và khóc thét lên”.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét mức BChE trong các mẫu vệt máu khô của 722 trẻ sơ sinh khi mới sinh. Trong số đó, 67 trẻ bị đột tử bất ngờ trong độ tuổi từ một tuần đến hai tuổi. Trong số các trường hợp tử vong này, 26 trường hợp được phân loại là liên quan đến SIDS và 41 trường hợp không phải SIDS.

So với nhóm trẻ tử vong do các nguyên nhân khác và nhóm trẻ sơ sinh đối chứng khỏe mạnh, các trường hợp SIDS cho thấy mức BChE khi sinh thấp đáng kể. Theo Harrington, điều này cho thấy mức độ thấp của enzym kích thích não có thể khiến trẻ sơ sinh dễ bị SIDS hơn. “Giờ đây chúng tôi biết được rằng BChE có liên quan đến hội chứng SIDS và chúng tôi có thể bắt đầu thay đổi kết quả cho những đứa trẻ này”, Harrington nói.

Trong tương lai, các nhà nghiên cứu mong muốn có thêm nhiều nghiên cứu để xác thực những phát hiện này của họ. Vì đây là dấu ấn sinh học máu có thể đo lường đầu tiên được sử dụng để chỉ ra nguy cơ SIDS nên mục tiêu sẽ là kết hợp xét nghiệm BChE vào các quy trình sàng lọc sơ sinh tiêu chuẩn. Điều này có thể cho phép cha mẹ và bác sĩ xác định được trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị SIDS và kết hợp các biện pháp bảo vệ tốt hơn chống lại các tác nhân bên ngoài đã biết.

Harrington cũng hy vọng nhanh chóng tìm ra cách giải quyết tình trạng thiếu hụt enzym đặc biệt này để những đứa trẻ có mức BChE thấp có thể được bảo vệ hơn nữa. “Khám phá này đã mở ra khả năng can thiệp và cuối cùng đưa ra câu trả lời cho những bậc cha mẹ đã mất con một cách thương tâm”, Harrington kết luận.

Nghiên cứu mới đã được công bố trên tạp chí eBioMedicine mới đây.

Nguồn: P.T.T/vista.gov.vn

Ngày cập nhật: 12/05/2022

https://vista.gov.vn/news/cac-linh-vuc-khoa-hoc-va-cong-nghe/tim-thay-dau-an-sinh-hoc-phat-hien-tre-so-sinh-co-nguy-co-bi-sids-4981.html