Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1261
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Tránh phô trương thanh thế họ tộc quá mức (15/06/2018)

              Mỗi con người đều có cội nguồn quê hương và cội nguồn dòng tộc nơi sinh thành. Chính vì vậy, nhắc đến quê hương, dòng họ, ai cũng thấy thiêng liêng và tự hào. Làm cho dòng họ nổi danh là vô cùng cần thiết nhưng phô trương quá mức lại không nên.

Ảnh minh họa

 

Từ bao thế kỷ trước, dầu chẳng ai ban hành hay ấn định một luật lệ nào, nhưng việc chung sức xây dựng nhà thờ đã trở thành ý thức tự giác trong từng gia đình, từng gia tộc. Nhiều nhà thờ tại các làng quê Việt Nam đã được xây dựng hàng trăm năm, đến nay vẫn còn nguyên giá trị với những nét kiến trúc độc đáo, tài hoa, không gian hài hòa. Một số dòng họ coi trọng văn hóa, dày công sưu tầm lại gia phả, sẵn sàng nhờ sự giúp đỡ của những bậc cao niên, những người có kiến thức về chữ Hán để dịch lại cho thực đích xác gia phả dòng họ, từng vế đối đã ghi khắc trước nhà thờ ở thế kỷ trước. Đây là một việc làm rất đáng nể trọng.

 

Tuy nhiên, hiện nay, có những vấn đề mới nảy sinh từ các dòng họ ở mỗi làng quê. Đó là cuộc chạy đua theo kiểu “con gà hơn nhau tiếng gáy”, gây nên những dư luận không tốt trong cộng đồng. Một số dòng họ nặng về khoa trương hình thức, xem nhẹ giá trị lịch sử và nhân văn. Nhiều dòng họ đua nhau xây dựng mộ tổ thật to đẹp, thật hoành tráng, bỏ ra hàng trăm triệu để làm “nghê chầu, phượng múa” nhưng cho tới nay vẫn chưa có gia phả họ mình. Điều đáng nói là, có những con cháu tới dự lễ họ nhưng chẳng biết tên ông tổ mình là ai, xuất xứ từ đâu, sinh ra ở thế kỷ nào? Không ít họ tộc đua nhau trùng tu nhà thờ to đẹp, đàng hoàng trong lúc đó hoàn cảnh các gia đình trong dòng họ khác nhau, thậm chí, không ít gia đình thuộc diện hộ nghèo vẫn phải đóng nộp theo quy định.

 

Họ nào cũng vậy, cứ mỗi lần họp, người ta lại thấy ông tộc trưởng và ban kiến thiết xây dựng vạch ra những việc quan trọng, lúc tu sửa thượng điện, lúc tu sửa hạ điện, lúc thay lại chiêng trống cũ, đồ đạc trên ban thờ; lúc làm đường bê tông lên nhà thờ, làm bia lớn và xây đắp lại bàn thờ tại mộ tổ… Thậm chí, có họ, tộc trưởng còn bắt các gia đình góp quỹ hương khói. Tính ra, mỗi năm, khoản tiền đóng góp để trùng tu phải lên tới hàng chục triệu đồng, có những họ nhiều “đinh”, số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

 

Chăm lo xây đắp cội nguồn dòng họ là tốt, nhưng không vì thế mà “biến tướng”, dẫn đến phô trương. Điều cần nhất ở mỗi con người là thành tâm với cha ông và muốn thực hiện điều đó phải thường xuyên giữ lấy đạo “cương thường”, tránh làm những điều mà truyền thống văn hóa, họ hàng ngàn đời không cho phép.

 

Nguồn: Báo Hà Tĩnh