Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 18419
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” xưa và nay (20/11/2019)

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống đạo lý mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam. Truyền thống này đã được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp từ ngàn xưa cho đến nay. Trải qua thời gian, dù xã hội có phát triển và đổi thay thì truyền thống ấy vẫn là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. 

Tôn sự trọng đạo là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.

Trong xã hội xưa, thầy giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo thầy mà trở thành người có đức, có nhân, có tài để đứng ra giúp nước. Cái nghĩa “Tôn sư trọng đạo” được gắn với tính mô phạm, khuôn phép, nhân cách, đạo đức. Vì thế, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò chứ không thể có bất cứ một yếu tố nào chi phối giá trị này. Muốn được học trò tôn kính, thầy phải giữ đúng chữ “đạo thầy”, thầy phải là biểu tượng của nhân cách cao đẹp, đạo đức chuẩn mực và tài trí hơn người. Còn nếu không có được những điều trên, thầy sẽ bị xã hội khinh rẻ, bị học trò coi thường. Về phía học trò, cũng phải giữ đúng “đạo học trò”, biết nghe lời thầy, biết chăm chỉ học tập và biết ứng xử cho phải đạo. Nếu phạm lỗi phải biết kính cẩn xin lỗi và sửa chữa lỗi lầm.

Trong xã hội ngày nay, người thầy vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng. Dù xã hội có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm căn mỗi học trò. Vì thế, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong xã hội ngày nay không khác xưa là mấy, vẫn còn nguyên giá trị về sự kính trọng người thầy, coi trọng sự học. Tuy nhiên, cái nghĩa “Tôn sư trọng đạo” ngày nay có phần thay đổi so với xưa kia. Ở xã hội ngày nay, khoảng cách giữa thầy và trò không cách xa như trước. Thầy và trò gần gũi, thân thiện hơn. Mối quan hệ giữa thầy và trò không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt như trong xã hội xưa mà có phần được giảm nhẹ, giản hóa những quy định về lễ nghĩa. Vì thế, học trò ngày nay thể hiện sự kính trọng thầy bằng nhiều cách khác nhau chứ không bó hẹp như xưa.

Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” ngày nay đã, đang bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố tiêu cực. Những yếu tố này thuộc về nhiều phía, cả phía người thầy, phía xã hội, phía học trò. Về phía người thầy, có không ít thầy cô có năng lực chuyên môn nghiệp vụ yếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới, có không ít thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo như chửi mắng học trò, đánh đập, hành hung, hành hạ học trò, dùng những hành vi để ép buộc học trò phải học thêm, tiêu cực trong thi cử... Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ các thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài bên những trang giáo án để gieo mầm tri thức, khiến cho xã hội có cái nhìn khác về hình ảnh người thầy, một biểu tượng vốn là thiêng liêng trong xã hội.

Về phía học sinh, có những em chưa ngoan, có những hành động trái với đạo lý như cãi lại thầy cô, chửi đánh, hành hung thầy cô khi mắc lỗi và bị xử lý. Thật đáng buồn khi có những học trò dám cãi tay đôi với thầy cô ngay trên bục giảng hay giữa sân trường. Thật xót xa khi có học sinh chỉ học lớp 8 mà dám bóp cổ cô giáo hay có học sinh bị thầy nhắc nhở đã chặn đường để đánh thầy. Tất cả những hành động này đã làm cho giá trị đạo đức trong giáo dục xuống cấp nghiêm trọng, mối quan hệ thầy, trò đã bị hoen ố và giá trị của “Tôn sư trọng đạo” tuyệt nhiên không còn giữ được.

Còn về phía xã hội, khi mà cả xã hội tham gia vào quá trình giáo dục thì đã bộc lộ không ít những mặt trái, ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ thầy, trò. Cụ thể như, khi dư luận người dân bàn luận về một vấn đề nào đó trong giáo dục thì đôi khi bàn luận một cách nóng vội dẫn đến tranh luận một cách nảy lửa, thậm chí còn “ném đá” thầy cô một cách không tiếc tay. Điều đó, đôi khi vô tình sẽ hạ thấp người thầy, hạ thấp giáo dục xuống những nấc thang đáng lo ngại.

Tuy vậy, “Tôn sư trọng đạo” dù ở ngày xưa hay hôm nay và mãi mãi mai sau vẫn luôn là một nét đẹp không gì có thể thay thế được của dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, thời nào, người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Nói như Nhà giáo Chu Văn An, người thầy đạo cao đức trọng, là biểu tượng thiêng liêng về đạo học và hình ảnh người thầy của dân tộc Việt Nam: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”.

Nguồn: dantri.com.vn