Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4390
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Tục gói bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam (22/01/2019)

             Theo quan niệm của người Việt Nam, hình ảnh chiếc bánh chưng, bánh giầy còn thể hiện trời đất giao hòa, nói lên ước mơ của người người, nhà nhà có một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc. 

Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.

 

Theo truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy”, vào đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ, vua Hùng triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua sẽ được nhà vua nhường ngôi.

 

Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Người con trai thứ 18 tên là Lang Liêu là người nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang nhưng tính tình hiền hậu, lối sống đạo hạnh, hiếu thảo với cha mẹ. Không thể tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, chàng đã dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để làm ra hai loại bánh chưng và bánh dầy tượng trưng cho trời và đất làm lễ vật dâng vua.

 

Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý vua Hùng và vua Hùng đã truyền ngôi cho Lang Liêu. Từ đó, bánh chưng, bánh giầy trở thành lễ vật linh thiêng trong nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với ông cha, là món ăn không thể thiếu của người dân Việt Nam những ngày Tết. 

 

Bánh chưng Việt Nam không lẫn, không phỏng theo bất kỳ thứ bánh nào của các quốc gia khác. Bánh chưng được làm nên từ những nguyên liệu rất gần gũi với đời sống của người nông dân như: gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang và có khi thêm những nguyên liệu phụ là quả gấc… để làm màu cho nhân bánh thêm đẹp.

 

Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất, màu xanh lá dong là cỏ cây, đỗ xanh tượng trưng cho trái ngon, quả ngọt, thịt lợn đại diện cho muông thú và gạo nếp chính là văn minh lúa nước con người. Với mỗi người dân Việt Nam, bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam.

 

Theo quan niệm của người Việt Nam hình ảnh chiếc bánh chưng, bánh giầy còn thể hiện trời đất giao hòa, nói lên ước mơ của người người, nhà nhà có một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc. Phong tục truyền thống thờ cúng và thưởng thức bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam vừa mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, vừa là tinh hoa ẩm thực, trí tuệ của người Việt Nam.

 

Bánh chưng là biểu tượng không thế thiếu trong dịp Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Không có một nơi nào trên thế giới có được sự độc đáo với tục gói bánh chưng xanh cúng tổ tiên ngày Tết như dân tộc Việt Nam. Tục gói bánh chưng ngày Tết, một nét đẹp văn hóa, đã trường tồn với thời gian, ngấm vào máu thịt và tâm trí của mỗi người con đất Việt mỗi khi Tết đến Xuân sang.

 

Nguồn: Đài VOV5