Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 17708
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Ứng dụng AI tạo bước ngoặt trong chẩn đoán ung thư vú (02/01/2020)

Nghiên cứu mới nhất cho thấy AI có tiềm năng trong việc cải thiện độ chính xác của việc chẩn đoán ung thư vú qua phân tích hình chiếu chụp tuyến vú.

Phim chụp X-quang tuyến vú. (Nguồn: Getty Images)

Các nhà nghiên cứu Mỹ và Anh mới đây cho biết hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của Google đã chứng minh được khả năng phát hiện ung thư vú dựa trên việc đọc và phân tích phim chụp X-quang tuyến vú, cũng nhu khả năng giảm thiểu nguy cơ chẩn đoán sai.

Nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí Nature số ra ngày 1/1.

Đây là nghiên cứu mới nhất cho thấy AI có tiềm năng trong việc cải thiện độ chính xác của việc chẩn đoán ung thư vú qua phân tích hình chiếu chụp tuyến vú.

Thống kê cho thấy các bác sỹ chẩn đoán sai khoảng 20% các trường hợp mắc ung thư vú qua phân tích phim chụp X-quang tuyến vú và khoảng một nửa những phụ nữ được kiểm tra trong 10 năm đều có kết quả dương tính sai.

Đồng tác giả nghiên cứu Mozziyar Etemadi của hệ thống y tế Northwestern Medicine tại Chicago, Mỹ, cho biết kết quả nghiên cứu của đơn vị AI Deepmind thuộc tập đoàn Alphabet Inc đã thể hiện được bước tiến lớn trong việc phát hiện sớm ung thư vú.

Nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia tại Trường Cao đẳng Hoàng gia London và Cơ quan Y tế quốc gia Anh, đã huấn luyện hệ thống giúp phát hiện ung thư vú trên hàng chục nghìn ảnh chụp X-quang tuyến vú.

Tiếp đó, họ so sánh năng lực của hệ thống với kết quả thực sự từ 25.856 phim chụp X-quang tại Anh và 3.097 phim chụp tại Mỹ.

Nghiên cứu cho thấy hệ thống AI có thể xác định bệnh ung thư với độ chính xác tương đương các chuyên gia X-quang, đồng thời giảm bớt số trường hợp bị chẩn đoán dương tính sai ở mức 5,7% đối với các phim chụp ở Mỹ và 1,2% đối với phim chụp ở Anh.

AI cũng giảm số ca bị chẩn đoán âm tính sai lần lượt ở mức 9,4% và 2,7% đối với phim chụp ở Mỹ và Anh. Sự chênh lệnh phản ánh cách thức phim chụp X-quang tuyến vú được đọc.

Tại Mỹ, chỉ có bác sỹ X-quang mới được đọc kết quả và việc kiểm tra được tiến hành 1-2 năm/lần.

Tại Anh, việc kiểm tra được tiến hành 3 năm/lần, và kết quả được hai bác sỹ đọc. Nếu hai bác sỹ không thống nhất được kết quả, người thứ ba sẽ được tham vấn.

Trong một cuộc kiểm tra riêng rẽ, nhóm nghiên cứu đã cho hệ thống AI ganh đua với 6 bác sỹ X-quang và phát hiện AI đã chẩn đoán ung thư vú tốt hơn.

Ý tưởng sử dụng máy tính để cải thiện chẩn đoán ung thư đã có từ nhiều thập kỷ. Việc ứng dụng hệ thống phát hiện do máy tính hỗ trợ (CAD) cũng rất phổ biến trong các phòng khám X-quang, song các chương trình CAD chưa cải thiện được hiệu quả trong công tác khám và điều trị.

Vấn đề ở đây là các chương trình CAD hiện nay chỉ được huấn luyện để xác định những thứ mà bác sỹ X-quang có thể nhìn thấy, trong khi với AI, máy tính có thể học cách phát hiện ung thư dựa trên kết quả thực tế của hàng nghìn phim chụp X-quang tuyến vú.

Connie Lehman, chủ nhiệm Khoa Chẩn đoán hình ảnh tuyến vú tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts của Đại học Havard, nhận định AI có tiềm năng phát hiện được những đầu mối nhỏ nhất mà mắt và não người không thể ghi nhận.

Mặc dù máy tính vẫn chưa thể đạt đến mức cực kỳ hữu dụng, song nghiên cứu cho thấy ít nhất trong hàng nghìn phim chụp, công cụ AI có thể đưa ra được quyết định rất hiệu quả.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng có một số hạn chế. Đa số các cuộc kiểm tra đều được dùng thiết bị chụp giống nhau và nhóm phim chụp tại Mỹ gồm rất nhiều bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư vú.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được công cụ giúp chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu này cần có sự thông qua của nhà chức trách và có thể mất tới vài năm để hoàn tất.

Ung thư vú là căn bệnh phổ biến ở nữ giới với ước tính cứ 8 phụ nữ trên thế giới thì có một người bị mắc căn bệnh này./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Cập nhật: 02/01/2010

https://www.vietnamplus.vn/ung-dung-ai-tao-buoc-ngoat-trong-chan-doan-ung-thu-vu/616343.vnp