Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 47963
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN

Ứng dụng quy trình gạn tách khối tiểu cầu túi ba từ một người cho và đề xuất một số tiêu chí chỉ định sử dụng khối tiểu cầu cho bệnh nhân giảm số lượng tiểu cầu (20/12/2023)

Quy trình gạn tách khối tiểu cầu túi ba từ một người cho và đề xuất một số tiêu chí chỉ định sử dụng khối tiểu cầu cho bệnh nhân giảm số lượng tiểu cầu được ứng dụng từ kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình gạn tách khối tiểu cầu túi ba từ một người cho và đề xuất một số tiêu chí chỉ định sử dụng khối tiểu cầu cho bệnh nhân giảm số lượng tiểu cầu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp”, đề tài do TS. Hoàng Văn Phóng - Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu làm chủ nhiệm. Đề tài được Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu tại Sở Khoa học và Công nghệ ngày 29/12/2021.

Kết quả đề tài được ứng dụng từ tháng 1/2022 đến nay tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và được nhân rộng tại các cơ sở Y tế có điều trị, cấp cứu bệnh nhân có số lượng tiều cầu giảm trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Ngoài ra, quy trình công nghệ dựa từ kết quả nghiên cứu áp dụng cho tất các các Trung tâm truyền máu trên khắp cả nước tiếp nhận khổi tiểu cầu túi ba trên toàn quốc.

Đề tài nghiên cứu một số tiêu chí chỉ định sử dụng khối tiểu cầu và đánh giá hiệu quả truyền khối tiểu cầu cho bệnh nhân giảm số lượng tiểu cầu trên 90 bệnh nhân đang điều trị tại khoa Huyết học lâm sàng, với chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn sinh tủy và lơ xê mi cấp, kết quả cho thấy:

- Hiệu quả truyền khối tiểu cầu cho bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu cho thấy: Sau truyền một giờ hiệu quả truyền cao nhất, sau giảm dần đến 24 giờ sau truyền cụ thể CCI ngay sau truyền là 48,67 ± 21,95; sau truyền 01 giờ là 16,92 ± 8,58; sau truyền 12 giờ là 11,47± 6,47; sau truyền 24 giờ là 4,85 ± 3,55; Có 05 trường hợp truyền tiểu cầu không hiệu quả chiếm 16,7 %; Trong 05 trường hợp truyền không hiệu quả có 4 trường hợp có kháng thể kháng tiểu cầu chiếm 16,7%.

- Kết quả đối với nhóm bệnh nhân lơ xê mi cấp: Sau truyền một giờ hiệu quả truyền cao nhất sau giảm dần đến 24 giờ sau truyền cụ thể CCI ngay sau truyền là 51,23 ± 22,40; Sau truyền 01 giờ là 12,46 ± 7,41; sau truyền 12 giờ là 7,55 ± 4,44 và sau truyền 24 giờ là 4,03 ± 4,54; Có 08 trường hợp truyền tiểu cầu không hiệu quả với lần truyền thứ nhất, sau truyền lần 2 và lần 3 số bệnh nhân truyền tiểu cầu không hiệu quả còn 3 bệnh nhân chiếm 10,0%; Trong 08 trường hợp truyền không hiệu quả có 3 trường hợp có kháng thể kháng tiểu cầu chiếm 10,0%.

- Đối với bệnh nhân rối loạn sinh tủy: Sau truyền một giờ hiệu quả truyền cao nhất sau giảm dần đến 24 giờ sau truyền cụ thể CCI ngay sau truyền là 53,50 ± 23,95; sau truyền 01 giờ là 16,71 ± 7,82; sau truyền 12 giờ là 11,26 ± 6,78 và sau truyền 24 giờ là 4,60 ± 3,1; Có 06 trường hợp truyền tiểu cầu không hiệu quả với lần truyền thứ nhất, sau truyền 2 hoặc 3 khối tiểu cầu, số bệnh nhân truyền tiểu cầu không hiệu quả còn 3 bệnh nhân chiếm 10,0%; Trong 06 trường hợp truyền không hiệu quả có 3 trường hợp có kháng thể kháng tiểu cầu chiếm 10,0%.

Ứng dụng quy trình gạn tách tiểu cầu túi ba vào làm thường quy tại các Trung tâm Huyết học Truyền máu để tăng số lượng khối tiểu cầu và hạ giá thành cho cấp cứu điều trị người bệnh. Chỉ định truyền khối tiểu cầu đúng và số lượng hợp lý mang lại hiệu quả cho người bệnh tránh lãng phí và xuất hiện kháng thể kháng tiểu cầu cho người bệnh. Đồng thời giảm các nguy cơ tai biến truyền khối tiều cầu, giảm thời gian nằm viện và chi phí cho người bệnh. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.