Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 35145 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Ung thư buồng trứng thường được phát hiện khi bệnh đã tiến triển và khó điều trị (24/09/2024)
Các triệu chứng ung thư buồng trứng có thể khó xác định vì chúng mơ hồ và giống với các tình trạng khác. Nhưng một nghiên cứu mới đã chỉ ra những dấu hiệu khả quan cho thấy ung thư buồng trứng có thể phát hiện được ở giai đoạn đầu. Nghiên cứu nhắm vào những phụ nữ có bốn triệu chứng cụ thể-đầy hơi, đau bụng, cần đi tiểu thường xuyên và nhanh no. Nhờ đó, ngay cả những dạng ung thư buồng trứng hung dữ nhất cũng có thể được phát hiện ở giai đoạn đầu.
Vậy nghiên cứu đã phát hiện thấy điều gì? Và điều đó có thể có ý nghĩa gì đối với việc phát hiện - và điều trị-ung thư buồng trứng nhanh hơn?
Tại sao ung thư buồng trứng khó phát hiện sớm?
Không thể phát hiện ung thư buồng trứng thông qua sàng lọc ung thư cổ tử cung (trước đây gọi là xét nghiệm Pap) và các xét nghiệm vùng chậu không hữu ích như là một xét nghiệm sàng lọc.
Các hướng dẫn hiện tại của Úc khuyến nghị phụ nữ nên xét nghiệm ung thư buồng trứng nếu họ có các triệu chứng trong hơn một tháng. Tuy nhiên, nhiều triệu chứng như mệt mỏi, táo bón và thay đổi kinh nguyệt lại mơ hồ và trùng lặp với các bệnh thông thường khác. Điều này khiến cho việc phát hiện sớm trở thành một thách thức và điều quan trọng ở đây là cơ hội sống sót sau ung thư buồng trứng của phụ nữ có liên quan đến mức độ tiến triển của bệnh khi được chẩn đoán.
Nếu ung thư vẫn giới hạn ở vị trí ban đầu mà không lan rộng, tỷ lệ sống sót sau năm năm là 92%. Nhưng hơn một nửa số phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng lần đầu tiên phát hiện khi tình trạng ung thư đã di căn, nghĩa là nó đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Khi ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết gần đó, tỷ lệ sống sót giảm xuống còn 72%. Còn ung thư đã di căn và lan đến các vị trí xa tại thời điểm chẩn đoán, tỷ lệ chỉ là 31%.
Có nhiều phát hiện trái chiều về việc liệu phát hiện ung thư buồng trứng sớm hơn có giúp cho tỷ lệ sống sót cao hơn hay không. Ví dụ, một thử nghiệm ở Anh đã sàng lọc hơn 200.000 phụ nữ nhưng lại không làm giảm được số ca tử vong. Nghiên cứu đó đã sàng lọc công chúng nói chung, thay vì dựa vào các triệu chứng tự báo cáo. Nghiên cứu mới cho thấy việc yêu cầu phụ nữ tự phát hiện ra các triệu chứng cụ thể có thể dẫn đến các chẩn đoán sớm hơn, nghĩa là việc điều trị có thể bắt đầu nhanh hơn.
Từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 7 năm 2022, các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng 2.596 phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 90 từ 24 bệnh viện trên khắp Vương quốc Anh. Họ được yêu cầu theo dõi bốn triệu chứng sau: chướng bụng dai dẳng (phụ nữ thường gọi đây là đầy hơi); cảm thấy no ngay sau khi bắt đầu ăn và/hoặc chán ăn; đau vùng chậu hoặc bụng (có thể cảm thấy như khó tiêu); cần đi tiểu gấp hoặc thường xuyên hơn.
Ở những phụ nữ báo cáo có ít nhất một trong bốn triệu chứng dai dẳng hoặc thường xuyên sẽ được đưa vào lộ trình điều trị nhanh. Điều đó có nghĩa là họ được gửi đến gặp bác sĩ phụ khoa trong vòng hai tuần. Lộ trình nhanh đã được sử dụng ở Vương quốc Anh từ năm 2011, nhưng không cụ thể trong hướng dẫn của Úc.
Có khoảng 1.741 người tham gia đã được đưa vào lộ trình nhanh này. Đầu tiên, họ được tiến hành xét nghiệm máu để đo kháng nguyên ung thư 125 (CA125). Nếu mức CA125 của phụ nữ bất thường, họ sẽ được gửi đi siêu âm đầu dò âm đạo.
Nghiên cứu chỉ ra rằng quá trình này phát hiện ung thư buồng trứng tốt hơn so với việc sàng lọc chung cho cả những người không có triệu chứng. Khoảng 12% phụ nữ nằm trong lộ trình theo dõi nhanh được chẩn đoán mắc một số loại ung thư buồng trứng.
Tổng cộng có 6,8% bệnh nhân theo dõi nhanh được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng thanh dịch cấp cao. Đây là dạng ung thư hung hãn nhất và gây ra 90% số ca tử vong do ung thư buồng trứng.
Trong số những phụ nữ mắc dạng hung hãn nhất, cứ bốn người thì có một người được chẩn đoán khi ung thư vẫn còn ở giai đoạn đầu. Điều đó rất quan trọng vì nó cho phép các bác sĩ có thể nhanh chóng điều trị căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất này trước khi nó lan rộng khắp cơ thể.
Có một số dấu hiệu khả quan trong việc điều trị cho những bệnh nhân mắc dạng ung thư hung hãn này. Phần lớn (95%) được phẫu thuật và ba phần tư (77%) được hóa trị. Kết quả cho thấy, đã giảm hoàn toàn khối u-có nghĩa là tất cả các khối u dường như đã được loại bỏ-ở 6 trong số 10 bệnh nhân (61%). Đây là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy có thể có những cách để "phát hiện" và nhắm mục tiêu vào ung thư buồng trứng trước khi nó phát triển mạnh trong cơ thể.
Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy phương pháp xét nghiệm sớm và chuyển tuyến để phát hiện các triệu chứng này có thể giúp phát hiện ung thư buồng trứng sớm hơn. Điều này cũng có thể cải thiện kết quả điều trị, mặc dù nghiên cứu không theo dõi tỷ lệ sống sót. Nó cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của công chúng về các triệu chứng. Các bác sĩ lâm sàng cần có khả năng nhận ra tất cả các cách thức mà ung thư buồng trứng có thể biểu hiện, bao gồm cả các triệu chứng mơ hồ như mệt mỏi nói chung. Dựa trên bốn triệu chứng này có thể giúp các bác sĩ thúc đẩy việc xét nghiệm, phát hiện và điều trị ung thư buồng trứng sớm hơn chúng ta nghĩ và cũng giúp việc xét nghiệm và điều trị có mục tiêu và hiệu quả hơn.
Thực tế, có nhiều phụ nữ vẫn không biết về các triệu chứng của ung thư buồng trứng. Do vậy, nghiên cứu này cho thấy việc nhận biết các triệu chứng này có thể giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh hơn./.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/, 9/2024
Ngày cập nhật: 18/09/2024
https://www.vista.gov.vn/vi/news/khoa-hoc-y-duoc/ung-thu-buong-trung-thuong-duoc-phat-hien-khi-benh-da-tien-trien-va-kho-dieu-tri-9696.html
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)