Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 42665 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Vắc xin HIV mới sẽ được thử nghiệm giai đoạn II vào năm 2017 (12/12/2016)
Một loại vắc xin HIV mới sẽ trải qua các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II vào năm 2017, sau khi các thử nghiệm giai đoạn I đã chứng minh vắc xin an toàn để sử dụng cho người. Vắc xin tiềm năng này sẽ được thử nghiệm trên 600 người dân Bắc Mỹ để xem xét khả năng ngăn chặn tình trạng nhiễm virus HIV.
Thử nghiệm giai đoạn I đã chứng tỏ vắc xin được cơ thể con người dung nạp tốt, nhưng chưa chứng minh vắc xin có thể hoạt động như một liệu pháp phòng ngừa. Nhưng nhóm nghiên cứu đã nhận thấy các kết quả thử nghiệm đầy triển vọng vì vắc xin gây ra phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân dương tính với HIV.
Chil-Yong Kang tại Trường Đại học Western ở Canada cho biết: "Chúng tôi rất vui vì các kết quả của giai đoạn I. Thử nghiệm đã chứng minh vắc xin của chúng tôi kích thích trung hòa các kháng thể trên diện rộng, trung hòa không chỉ các phân loại HIV, mà cả các phân loại khác, nghĩa là bạn có thể tạo ra loại vắc xin bao trùm nhiều chủng virus khác".
Vắc xin HIV mới có tên là SAV001, được sản xuất theo cách hoàn toàn khác so với các loại vắc xin HIV cũ bằng cách sử dụng các hạt HIV-1 “tiêu diệt toàn bộ”, đã được biến đổi gen để lây nhiễm các tế bào của người. Vắc xin tiêu diệt toàn bộ virus được gọi là vắc xin bất hoạt, là một trong những loại vắc xin phổ biến nhất. Thay vì chỉ chứa một đoạn virus, chúng chứa toàn bộ virus được tiêu diệt hoặc biến đổi theo cách không gây hại cho người.
Vắc xin SAV001 hoạt động bằng cách phơi nhiễm hệ miễn dịch với một phiên bản virus an toàn, đã chết. Do vậy, hệ miễn dịch chuẩn bị các kháng thể chống lại virus và sẵn sàng khởi động một cuộc tấn công ngay sau khi một phiên bản virus sống được đưa vào cơ thể.
Việc thử nghiệm vắc xin SAV001 mất nhiều thời gian là vì các nhà nghiên cứu lo ngại trên thực tế không thể bất hoạt HIV. Hơn nữa, virus này phát triển rất nhanh và tránh hàng phòng thủ của hệ miễn dịch. Nhưng nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Western đã hoán đổi một số gen của virus HIV với vật liệu di truyền lấy từ ong mật, làm cho nó vô hại với con người.
Trong giai đoạn I thử nghiệm lâm sàng có sự tham gia của một nhóm bệnh nhân dương tính với HIV. Các nhà khoa học đã cho một nửa dùng giả dược và một nửa sử dụng vắc xin để kiểm tra phản ứng của cơ thể. Kết quả cho thấy vắc xin được hệ miễn dịch dung nạp an toàn mà không gây ra các phản ứng phụ và không có dấu hiệu cho thấy virus bất hoạt trở nên nguy hiểm. Nhóm người được tiêm vắc xin, đã có sự gia tăng đáng kể các kháng thể tồn tại từ trước để chống lại HIV, một dấu hiệu tương tự ở người không mắc HIV để bảo vệ chống virus.
Tuy nhiên, còn quá sớm để vui mừng vì nhiều thử nghiệm khả quan ở giai đoạn I nhưng lại thất bại ở giai đoạn tiếp theo. Các thử nghiệm giai đoạn II đối với vắc xin sẽ được thực hiện trên 600 người tình nguyện âm tính với HIV trên khắp Bắc Mỹ vào tháng 9 năm 2017.
Khoảng 300 tình nguyện viên là người dân thường và 300 người từ các nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm HIV, bao gồm cả những người đàn ông có quan hệ đồng tính, người nghiện ma túy, người bán dâm và những người sống với đối tượng dương tính với HIV. Nhóm nghiên cứu sẽ xem xét phương thức tốt nhất để phát triển các kháng thể chống HIV và giảm nguy cơ nhiễm virus.
Cho đến nay, HIV và AIDS đã cướp đi sinh mạng của hơn 41 triệu người trên thế giới và theo ước tính có hơn 35 triệu người hiện đang bị nhiễm HIV.
Nguồn: www.vista.gov.vn ( Theo http://www.sciencealert.com/one-of-the-first-hiv-vaccines-will-move-onto-phase-ii-trials-in-2017, 5/12/2016)
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)