Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 55417 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Vaccine ngăn ngừa hiệu quả các ca nhiễm biến thể Delta diễn biến nặng (06/09/2021)
CDC Mỹ cho biết, từ khi Delta trở thành biến thể áp đảo trong số các ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ, hiệu quả của các vaccine ngừa COVID-19 trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện dao động từ 75%- 95%.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ.
Các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay vẫn đặc biệt phát huy hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nhân nhiễm biến thể Delta gây bệnh COVID-19 phải nhập viện.
Theo dữ liệu được Ủy ban Tư vấn về thực hành tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 31/8, kể từ khi Delta trở thành biến thể áp đảo trong số các ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ, hiệu quả của các vaccine ngừa COVID-19 trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện đã dao động từ 75% đến 95%.
Đối với người trên 75 tuổi, vaccine đạt hiệu quả trên 80% trong ngăn ngừa nguy cơ nhập viện. Trong khi đó, đối với người từ 18-49 tuổi, hiệu quả của vaccine đạt 94%.
Những người trưởng thành chưa tiêm phòng vaccine có nguy cơ nhập viện cao hơn 17 lần so với những người trưởng thành đã được tiêm vaccine.
Tỷ lệ nhập viện cao hơn đối với những người không tiêm chủng ở tất cả các nhóm tuổi.
Trình bày kết quả trên trước ủy ban, Tiến sỹ Sara Oliver, nhà khoa học của CDC Mỹ, khẳng định vaccine ngừa COVID-19 có hiệu quả bảo vệ cao giúp ngăn bệnh chuyển nặng và tử vong.
Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận khả năng vaccine ngăn ngừa lây nhiễm hoặc mắc COVID-19 ở thể nhẹ có lẽ đã giảm đi.
Kể từ khi biến thể Delta trở nên chiếm ưu thế, hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa lây nhiễm đã dao động từ 39% đến 84%.
Bà lý giải việc giảm hiệu quả có thể liên quan đến tính chất dễ lây lan của biến thể Delta và khả năng bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian.
Đề cập đến vấn đề tiêm mũi vaccine tăng cường, Tiến sỹ Oliver cho rằng nếu điều này được áp dụng rộng rãi cho toàn dân, việc đầu tiên là phải ưu tiên các nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu, người cao tuổi trên 75 tuổi.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh vaccine ngừa COVID-19 cần phải được cung cấp cho những người có nguy cơ cao trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những nước thu nhập thấp, nơi nhiều người dân vẫn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Dữ liệu mới nhất của CDC Mỹ khá tương đồng với kết luận được nêu trong báo cáo được Viện Y tế công cộng Bỉ (Sciensano) đưa ra ngày 30/8.
Theo đó, ngay cả khi có sự khác nhau về mức độ bảo vệ của vaccine tùy thuộc vào công nghệ được sử dụng (vaccine mRNA dường như hiệu quả hơn một chút so với vaccine dựa trên cơ chế vector adenovirus), vaccine vẫn phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh tiến triển nặng khi mắc COVID-19.
Dữ liệu mới nhất của Sciensano còn cho thấy khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2 ở những người đã tiêm phòng cũng thấp hơn nhiều, từ 52% đến 62%. Đối với các trường hợp đã tiêm chủng, nguy cơ bị nhiễm bệnh cũng giảm đáng kể.
Hiện, Mỹ đang sử dụng ba loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson.
Trước đó, trong một phân tích dữ liệu do CDC Mỹ công bố ngày 29/8, những người trưởng thành chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao hơn 17 lần so với những người đã được tiêm phòng. Tỷ lệ nhập viện cao hơn đối với những người không được tiêm chủng ở tất cả các nhóm tuổi./.
Nguồn: Phương Oanh/vietnamplus.vn
Ngày cập nhật: 01/9/2021
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)