Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 20960
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Vai trò của gia đình trong xã hội hiện nay (02/10/2017)

         Những năm qua, trong các văn kiện của Đảng đều đề cập đến việc xây dựng gia đình thời đại mới, khẳng định vai trò của gia đình đối với sự phát triển của đất nước. Điều đó cho thấy trong giai đoạn hiện nay, gia đình có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội.

Con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội. Gia đình chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của gia đình mình, có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân hữu ích. Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động tương lai chất lượng cao. Gia đình chính là “đơn vị xã hội” đầu tiên cung cấp lực lượng lao động cho xã hội. Từ những người lao động chân tay giản đơn đến lao động trí óc... đều được sinh ra, nuôi dưỡng và chịu sự giáo dục của gia đình.

Gia đình cũng là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các câu chuyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền thụ cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần tự lực, tự cường, anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, chăm chỉ cần cù trong lao động sản xuất... Gia đình cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng tới số lượng, chất lượng dân số và cơ cấu dân cư của quốc gia.

Trong mỗi gia đình, vai trò của cha mẹ có vị trí tối quan trọng. Theo truyền thống Việt Nam, đàn ông thường là chủ của gia đình. Người cha là trụ cột, là biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo. Còn người mẹ là chỗ dựa, là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong gia đình, nguồn tình cảm vô tận cho các con. Vì thế, gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em.

Xã hội chuyển động ngày một nhanh hơn, các “tế bào” của xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thế giới bên ngoài, đặc biệt là từ thế giới internet, chịu tác động bởi nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường nên văn hóa gia đình đang có biểu hiện xuống cấp vì những tác động xấu của đời sống xã hội. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích nhu cầu ham muốn vật chất, ít chú trọng đời sống tình cảm tinh thần, tình trạng xung đột gia đình dẫn đến đổ vỡ và ly hôn ngày càng gia tăng, làm cho gia đình không được bền vững. Vì thế, để tạo dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ tương lai, phải bắt đầu giáo dục con trẻ trong gia đình - trước khi những mầm non ấy đặt chân tới trường và tiếp xúc với môi trường xã hội. Đó được xem là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên nhân cách của một con người, một thế hệ.

Và trong giai đoạn hiện nay, để “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi con người cụ thể.

 

Nguồn: Báo Bình Phước