Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1872
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Văn hóa, giáo dục trong Hiến pháp năm 2013 (17/06/2014)

Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó, chế định văn hóa, giáo dục đã kế thừa những quy định trong Hiến pháp năm 1992 nhưng được thể hiện lại một cách tổng quát, phản ánh những quan điểm, định hướng về phát triển văn hóa, giáo dục của Đảng và Nhà nước ta.

Hiến pháp mới tiếp tục xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc phát triển văn hóa, giáo dục cũng như tạo điều kiện, phát huy các nguồn lực khác đầu tư cho văn hóa, giáo dục.

Trên cơ sở kế thừa 5 điều quy định về văn hóa trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã tổng hợp thành một điều là Điều 60 gồm 3 khoản quy định một cách tổng quát về chế định văn hóa, trong đó tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Nhà nước và xã hội trong việc chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và tiếp cận thông tin của người dân, Nhà nước và xã hội không ngừng chăm lo, phát triển văn học, nghệ thuật và các phương tiện thông tin đại chúng. Nhận thức được vai trò to lớn của gia đình là cái nôi hình thành nếp sống văn hóa, Hiến pháp mới đã bổ sung một khoản quy định về việc Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân.

Ngoài ra, trong Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp khẳng định mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

Về giáo dục, Hiến pháp quy định công dân có quyền và nghĩa vụ học tập và tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Hiến pháp cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.

Nguồn: Đại biểu nhân dân