Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8201
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Văn hóa ứng xử trong đời sống vợ chồng (26/09/2018)

          Không ít người nghĩ rằng, phép lịch sự là để giao tiếp với người ngoài, còn vợ chồng sống với nhau cả đời, cần gì phải lịch sự nữa. Từ quan niệm như vậy, nên họ cư xử với nhau thô thiển, suồng sã và chính những cái đó đưa hạnh phúc đến sự tan vỡ.

Sai lầm của nhiều cặp vợ chồng khi nghĩ rằng tình cảm là thật, còn ngôn ngữ chỉ là cái vỏ. Vì lý do đó, nhiều cặp vợ chồng khi cãi vã, dùng lời lẽ nặng lời “tôi – cô”, “tao – mày” mà không hiểu được cách xưng hô đó đã gây tổn thương cho đối phương.

Trong cuộc sống gia đình, không có quy định cụ thể nào trong cách xưng hô giữa vợ chồng. Có cặp vợ chồng thì gọi anh xưng em, ngược lại có những cặp lại xưng là “mình”, hay gọi là “ông xã, bà xã”, có những cặp thì xưng hô “cậu và tớ” cho thân mật. Đặc biệt ở nông thôn, thỉnh thoảng có những người chồng xưng “mày-tao” với vợ. Có người vợ gọi chồng là “bố thằng cu”, hoặc tên con là Tèo thì gọi “Bố thằng Tèo”, đôi khi gọi tắt là “bố” với “mẹ” nếu ở riêng không sống cùng cha mẹ…

Xưng hô chính là một cách thể hiện tình cảm trong cuộc sống vợ chồng. Theo sự phát triển của xã hội và trình độ dân trí hiện nay, vợ chồng xưng hô với nhau “anh – em” có lẽ là tình cảm và thân mật nhất. Dẫu hai người bằng tuổi nhau hay chồng có kém vợ đến dăm bảy tuổi, hoặc chồng hơn vợ vài ba chục tuổi, vẫn xưng “anh – em” với nhau không có gì ngượng ngùng cả. Cách xưng hô này bắt đầu từ khi họ mới yêu nhau và suốt cả quá trình yêu thương tìm hiểu đều gọi nhau như thế, nên khi đã thành vợ chồng thì việc xưng hô “anh – em” là một cách chứng tỏ tình yêu vẫn tồn tại trong mối quan hệ của họ. Có những cặp vợ chồng đến khi già bảy tám mươi tuổi mà vẫn xưng “anh – em” là muốn thể hiện tình yêu vẫn như thuở mới ban đầu. Có thể nói cách xưng hô giữa vợ chồng trong một gia đình thể hiện nếp văn hóa, tình cảm, mức độ hòa hợp trong đời sống hôn nhân. Qua cách xưng hô có thể thấy rõ sắc thái, tình cảm vợ chồng: yêu thương, giận dỗi, bất hòa hay xung đột.

Có một điều kỳ lạ là, hàng ngày chúng ta thường tỏ ra rất lịch sự với những người có khi cả đời chỉ gặp có một lần, còn người quan trọng với hạnh phúc của đời mình thì ta lại suồng sã, thậm chí cư xử một cách mất đi phép lịch sự ở mức tối thiểu.

Thực tế cho thấy, phép lịch sự cần thiết cho hôn nhân cũng giống như dầu nhờn cần cho máy móc vậy. Nhưng trong đời sống vợ chồng, ta ít khi được nghe thấy những lời “cảm ơn”, tiếng “xin lỗi”, trong khi chúng ta thường dạy con phải biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đối với người khác. Điều này xuất phát từ chỗ nhiều người trong chúng ta thường cho rằng, đã là vợ chồng, tất nhiên phải phục vụ nhau, nó như là trách nhiệm và nghĩa vụ, chẳng có gì phải cảm ơn cả, quan điểm này thực sự đáng buồn, bởi vợ chồng thực sự cần nhau ở lời động viên, sự trân trọng, điều đó như động lực tiếp thêm sức mạnh để cả 2 cùng vun đắp cho tình cảm vợ chồng, khi mà trong cuộc sống gia đình đã có nhiều vất vả, lo toan, và nhiều mối quan hệ phức tạp chen lẫn.

Phép lịch sự với người khác là rất cần thiết, nhưng trong đời sống vợ chồng càng cần thiết hơn bao giờ hết. Những cử chỉ ngôn từ yêu thương, một vòng tay siết chặt, một nụ hôn, mấy bông hoa và những câu “anh yêu em” không bao giờ là quá nhiều. Nó là cách thể hiện rằng chúng ta quan tâm tới người vợ, người chồng của mình và chính vì vậy mà họ cũng rất cần chúng ta.

P.V