Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 49238
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Văn hóa xin lỗi (14/08/2019)

            Cuộc sống càng phức tạp, lầm lỗi càng có nhiều cơ hội xảy ra. Chỉ vì không có mắt sau lưng nên nhìn thấy lỗi của người mà không nhìn thấy lỗi của mình. Có việc lỗi tự mình thấy được nhưng vẫn cố tình lờ đi. Có việc lỗi người thấy để chỉ cho nhưng không quan tâm sửa đổi, thậm chí còn nóng mặt gây gổ.

 

Người có lỗi, nhận thấy lỗi của mình, đã biết chân thành xin lỗi thì đối tượng dù có bốc lửa nóng lên cao thế nào cũng cảm thấy được nguội dần. Sự việc chắc chắn sẽ đi vào ổn thỏa giữa đôi bên. Người có lỗi mà không thấy được lỗi của mình, ngang bướng phủ nhận thì như lửa cháy đổ thêm dầu, chắc chắn giữa đôi bên sẽ khó dàn xếp ổn định. Không ai có thể nói rằng suốt đời mình chẳng bao giờ lầm lỗi. Có lỗi mà biết ăn năn sửa đổi thì đó gọi là văn hóa xin lỗi.

 

Ngày trước, ông bà ta thường vẫn lấy sự xin lỗi chân thành làm điều tha thứ cho nhau. Trong gia đình, khi kẻ dưới có lỗi với người trên thì chân thành xin lỗi. Dĩ nhiên người trên không còn để bụng, đem lòng hỷ xả mà bỏ qua lỗi lầm ấy. Ngoài làng xóm, nếu có lỗi với người lân cận, biết dùng mâm lễ trầu rượu công khai xin lỗi đối tượng thì thù hằn sẽ tiêu tan, sống hòa thuận bên nhau tạo nên được sự thân thương giữa tình làng nghĩa xóm.

 

Ngày nay không còn việc bày biện mâm lễ vật trầu rượu để nói lời xin lỗi mà chỉ cần có sự chân thành khi thấy được điều lỗi của mình đã gây ra để ăn năn sửa lỗi. Người dưới có lỗi với người trên, cá nhân có lỗi với tập thể thì việc cần phải xin lỗi là lẽ đương nhiên. Nhưng người trên có lỗi với người dưới, tập thể có lỗi với cá nhân cũng phải thấy được lỗi lầm của mình để sẵn sàng nhận lỗi, đó mới gọi là có văn hóa.

 

Ai cũng có thể có sự lỗi lầm. Nói ra được hai tiếng xin lỗi là có văn hóa, giải tỏa được sự nặng nề trong tâm trí. Người xưa nói: “Có lỗi mà biết nhận lỗi thì không còn lỗi nữa”. Điều đáng nói là đủ can đảm để nhận lỗi hay không. 

 

Nguồn: PV tổng hợp