Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 55048
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng đến sự phát triển của não (17/09/2021)

Trẻ sinh non có nguy cơ cao bị tổn thương não. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Vienna và Đại học Y khoa Vienna hiện đã tìm ra các mục tiêu khả thi để điều trị sớm các tổn thương bên ngoài não: Vi khuẩn trong ruột của trẻ sinh non có thể đóng vai trò quan trọng. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng sự phát triển quá mức của vi khuẩn Klebsiella ở đường tiêu hóa có liên quan đến việc gia tăng sự hiện diện của một số tế bào miễn dịch và sự phát triển của tổn thương thần kinh ở trẻ sinh non. Nghiên cứu hiện đã được công bố trên tạp chí Cell Host & Microbe.

Sự phát triển ban đầu của ruột, não và hệ miễn dịch có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các nhà nghiên cứu gọi đây là trục “não bộ-miễn dịch-ruột”. Vi khuẩn trong ruột liên kết với hệ miễn dịch, hệ miễn dịch này sẽ theo dõi các vi khuẩn đường ruột và phát triển các phản ứng thích hợp với chúng. Ngoài ra, ruột tiếp xúc với não qua dây thần kinh phế vị cũng như qua hệ miễn dịch.

Tác giả đầu tiên của nghiên cứu David Seki, giải thích: “Chúng tôi đã điều tra vai trò của trục này đối với sự phát triển não bộ của trẻ sinh non. Các vi sinh vật của hệ vi sinh đường ruột là tập hợp quan trọng của hàng trăm loài vi khuẩn, nấm, vi-rút và nhiều vi sinh vật khác ở trạng thái cân bằng ở những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, đặc biệt là ở trẻ sinh non, hệ miễn dịch và hệ vi sinh không có khả năng để phát triển đầy đủ, rất có thể xảy ra sự thay đổi. Những thay đổi này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến não bộ”.

Nhà sinh vật học David Berry và đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Hệ thống Môi trường và Vi sinh (CMESS) tại Đại học Vienna, đồng thời là Giám đốc Điều hành của Cơ sở Liên hợp Microbiome của Đại học Y Vienna, cho biết: “Trên thực tế, chúng tôi đã có thể xác định một số mô hình nhất định trong hệ vi sinh vật và phản ứng miễn dịch có liên quan rõ ràng đến sự tiến triển và mức độ nghiêm trọng của chấn thương não. Điều quan trọng, các mô hình như vậy thường xuất hiện trước những thay đổi trong não. Và cho thấy một khoảng thời gian quan trọng trong đó tổn thương não của trẻ sinh non có thể được ngăn ngừa trở nên tồi tệ hơn hoặc thậm chí có thể tránh được”.

Bác sĩ Lukas Wisgrill từ Khoa sơ sinh tại Đại học Y khoa Vienna, cho biết: Các điểm khởi đầu để phát triển liệu pháp thích hợp được cung cấp bởi các dấu ấn sinh học mà nhóm liên ngành đã có thể xác định. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy sự phát triển quá mức của vi khuẩn Klebsiella và nồng độ tế bào γδ-T tăng cao liên quan dường như có thể làm trầm trọng thêm tổn thương não. Chúng tôi có thể theo dõi những mô hình này bởi vì, đối với một nhóm rất cụ thể là trẻ sơ sinh, lần đầu tiên chúng tôi khám phá chi tiết cách hệ vi sinh đường ruột, hệ miễn dịch và não bộ phát triển và cách chúng tương tác trong quá trình này, Nghiên cứu đã theo dõi tổng số 60 trẻ sinh non, sinh trước 28 tuần và cân nặng dưới 1 kg, trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Sử dụng các phương pháp hiện đại, nhóm đã kiểm tra hệ vi sinh bằng cách sử dụng giải trình tự gen 16S rRNA, cùng với các phương pháp khác, sau đó phân tích các mẫu máu và phân, ghi lại sóng não (ví dụ aEEG) và hình ảnh MRI của não trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu này là một dự án liên trường đại học dưới sự lãnh đạo chung của Angelika Berger (Đại học Y Vienna) và David Berry (Đại học Vienna), là điểm khởi đầu cho dự án nghiên cứu điều tra hệ vi sinh và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển thần kinh của trẻ sinh non.

Angelika Berger giải thích: “Các kỹ năng vận động và nhận thức của trẻ phát triển như thế nào sẽ rõ sau vài năm. Chúng tôi mong muốn hiểu được sự phát triển rất sớm của trục “não bộ-hệ miễn dịch-ruột” diễn ra như thế nào trong dài hạn”.

Nguồn: Đ.T.V/vista.gov.vn

Ngày cập nhật: 14/9/2021

https://vista.gov.vn/news/cac-linh-vuc-khoa-hoc-va-cong-nghe/vi-khuan-duong-ruot-anh-huong-den-su-phat-trien-cua-nao-3990.html