Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 12203
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Virus Corona xâm nhập tế bào phổi con người như thế nào? (10/03/2020)

Bằng cách nào mà virus Corona có thể tấn công cơ thể con người chính là câu hỏi mà các nhà khoa học đã đặt ra gần đây.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra đã nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới. Hiện nay, khoảng 90.000 người bị nhiễm căn bệnh này với những tổn thương nghiêm trọng ở phổi, hơn 3.000 bệnh nhân trong số đó đã không đủ sức chống chọi và qua đời.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những vấn đề nan giải khi chẩn đoán là nhiều bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ cùng biểu hiện giống như cảm lạnh mà không nhận ra rằng họ đang virus xâm nhập, nguy cơ cao dẫn đến tử vong.

Dịch Covid-19 đang lây lan nhanh trên thế giới.

Trong số những người chết vì bệnh dịch - khoảng 3,4% bệnh nhân bị viêm phổi, nhiễm trùng phổi khiến đường thở chứa đầy chất lỏng. Giáo sư Mark Fielder, nhà sinh học tại Đại học Kingston, London cho biết:

“Covid-19 xâm nhập vào cơ thể người bằng cách đánh lừa một loại enzyme, có thể khiến nó 'hợp nhất' với protein bên trong và gây nhiễm trùng. Những tế bào bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19 là tế bào cốc và tế bào khử trùng. Chúng có trách nhiệm giữ cho bên trong phổi luôn ẩm, đồng thời dọn sạch các mảnh vụn như bụi hoặc vi khuẩn ở khoang phổi”.

Virus corona sẽ tiếp cận và tiêu diệt các tế bào này. Khi các tế bào bị giết, chúng rơi khỏi màng phổi và tích tụ thành từng đám khiến phổi bắt đầu tắc nghẽn, sưng lên và tạo ra chất lỏng có thể ngăn chặn hơi thở. Trải qua thời gian dài ủ bệnh, tình trạng này sẽ dẫn tới viêm phổi.

Virus cũng có thể khiến hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức khi nó cố gắng chống lại nhiễm trùng, gây ra sưng tấy làm bệnh nhân khó thở hơn. Nếu nhiễm trùng nặng, nó có thể gây tổn thương hoặc rối loạn chức năng tới các cơ quan khác như dạ dày, ruột, tim, gan và thận, hoặc tình huống xấu hơn là suy nội tạng.

Khi đã nhiễm virus, chất tiết từ các mô, bao gồm cả nước bọt đều chứa virus. Vì vậy, khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc đơn giản là nói chuyện, những giọt hơi ẩm sẽ mang virus ra không khí rồi lây nhiễm cho những người xung quanh.

Nếu bệnh nhân ho hoặc hắt hơi che miệng bằng tay, thì chạm vào bề mặt nào cũng có thể lan truyền virus, đặc biệt là nơi công cộng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, virus corona có thể sống trên những bề mặt này trong thời gian vài ngày.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Günter Kampf thuộc Đại học Greifswald ở Đức, những loại virus này có thể bị giết bởi các chất khử trùng như rượu hoặc thuốc tẩy. Chính vì vậy, mỗi gia đình nên tiến hành khử trùng nơi ở thường xuyên để phòng ngừa dịch bệnh.

Hạn chế ra ngoài, tránh tụ tập và tiếp xúc với những người lạ để ngăn chặn tốc độ lây lan của Covid-19.

Các chuyên gia cũng cho biết, đeo khẩu trang khi ra ngoài chỉ giúp giảm khả năng lây nhiễm chứ không thể bảo vệ bạn hoàn toàn. Chính vì vậy, hãy hạn chế ra ngoài và tiếp xúc với người lạ nhất có thể.

Khi có dấu hiệu của bệnh, hãy nhanh chóng thông báo để được kiểm tra và chủ động cách ly ít nhất 14 ngày, tương đương với thời gian ủ bệnh.

Phương pháp này có thể gây ra một chút bất tiện nhưng nó thực sự quan trọng và cần thiết. Bởi việc tự cách ly không chỉ ngăn chặn virus lây lan với tốc độ nhanh chóng mà còn góp phần bảo vệ những người có sức đề kháng yếu hơn (người già, trẻ nhỏ…) trong cộng đồng hoặc chính những người thân trong gia đình bạn.

Nguồn: An An/Vietnamnet.vn

Cập nhật: 05/3/2020

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/virus-corona-xam-nhap-vao-te-bao-phoi-nhu-the-nao-621466.html