Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 5261 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý trường hợp đối với trẻ em cần sự bảo vệ (15/11/2024)
Theo thống kê, tính đến thời điểm nghiên cứu cả nước có 248 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em (114 cơ sở công lập và 134 cơ sở ngoài công lập), phân theo tuyến (02 cơ sở cấp Trung ương, 143 cơ sở cấp tỉnh và 103 cơ sở cấp huyện), theo các loại hình (trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội, làng trẻ SOS). Trong tương lai, hệ thống cơ sở này cũng được quy hoạch theo mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội trên toàn quốc và theo hướng tự chủ. Các cơ sở đã cung cấp được một số các dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý; phục hồi chức năng, dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; chăm sóc nuôi dưỡng cho hơn 33.000 trẻ em. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được nhận định còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Chưa có các bộ tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ sở này. Từ đó, việc tổ chức, triển khai các dịch vụ của các cơ sở cũng chưa có nền tảng là các tiêu chí để họ tự kiểm soát chất lượngTrong bối cảnh này, Đảng và Nhà nước có chủ trương, đường lối tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới cũng như đáp ứng tối đa các phê chuẩn công ước, cam kết quốc tế liên quan quyền trẻ em.
Năm 2022, Trường Đại học Lao động – Xã hội được phê duyệt triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý trường hợp đối với trẻ em cần sự bảo vệ”, đề tài do TS. Lê Thị Nhung làm chủ nhiệm. Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng quản lý trường hợp với trẻ em cần sự bảo vệ và thực trạng đánh giá chất lượng hiện nay; Đề xuất xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý trường hợp đối với trẻ em cần sự bảo vệ, hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí từ đó đề xuất lộ trình và điều kiện áp dụng bộ tiêu chí; Thúc đẩy việc quản lý và thúc đẩy chuyên nghiệp hóa trong dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về trẻ em cần sự bảo vệ, chất lượng quản lý trường hợp, các tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý hợp với trẻ em cần sự bảo vệ. Các khái niệm công cụ như trẻ em cần sự bảo vệ, quản lý trường hợp với trẻ em cần sự bảo vệ, chất lượng quản lý trường hợp, các tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý trường hợp được hệ thống hóa và có khái niệm được xây dựng mới trên cơ sở kế thừa, tổng hợp bốn nguồn chính: Các các văn bản quy phạm pháp luật; lý thuyết về quản lý trường hợp, công tác xã hội; hướng dẫn tiêu chuẩn và kinh nghiệm của các quốc gia và của quốc tế; thực tiễn tại địa phương.
Đánh giá thực trạng quản lý trường hợp với trẻ em cần sự bảo vệ và thực trạng đánh giá chất lượng hiện nay. Đề xuất xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý trường hợp đối với trẻ em cần sự bảo vệ, hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí từ đó đề xuất lộ trình và điều kiện áp dụng bộ tiêu chí. Bộ tiêu chí đề xuất là công cụ tham khảo quan trọng trong đánh giá chất lượng hoạt động của cấp cơ sở và tiến tới xã hội hóa, mở rộng mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ mà vẫn quản lý được chất lượng để đáp ứng đa nhu cầu của trẻ cũng như bảo vệ trẻ trong các trường hợp khẩn cấp.
Kết quả khảo sát thể hiện số trẻ được nhận trợ giúp và quản lý tại trung tâm chiếm hơn nửa đối tượng khảo sát. Với nhóm này, quản lý ca khá rõ ràng. Ngoài ra, có 21% trẻ được nhận trợ giúp và quản lý tại địa phương. Thực tế còn nhiều bất cập trong nhận sự trợ giúp tại địa phương theo đúng bản chất về quản lý trường hợp, tiến trình và các nhiệm vụ chính đối với nhóm trẻ này. Một tỷ lệ đáng lưu ý là 27% trẻ/người chăm sóc chính của trẻ không rõ mình được nhận trợ giúp và quản lý ca tại đâu, có lúc trong trung tâm, có lúc tại cộng đồng và một số trẻ không được quản lý ca.
Mẫu phần mềm quản lý thông tin trường hợp tại cơ sở.
Hiện nay, việc đánh giá các cấp từ cấp Trung ương xuống địa phương các tỉnh theo mô tuýp khá đồng nhất và có hệ thống: Cơ chế báo cáo; qua các đoàn kiểm tra liên ngành; qua đoàn giám sát; thanh tra theo chuyên đề; kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất. Gần đây, hệ thống cơ quan các cấp bắt đầu áp dụng chỉ tiêu thống kê trẻ theo tiêu chí xã phường thân thiện với trẻ em là một điểm sáng. Tuy vậy, hiện chưa có hướng dẫn và cũng chưa có cơ chế đánh giá chất lượng dịch vụ/hoạt động bảo vệ trẻ em hay quản lý trường hợp với trẻ. Đối với bộ phận bảo vệ trẻ em cấp địa phương thì theo chế độ báo cáo tương tự trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà cũng không có sự kiểm soát đầy đủ, đánh giá hiệu quả sự trợ giúp hay quản lý ca với trẻ cần sự bảo vệ. Tại thành phố Hồ Chí Minh, có hệ thống tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng quý dành cho lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở, dành cho lãnh đạo phòng, dành cho viên chức. Hệ thống tiêu chí này bao gồm 03 phần: i) ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức; ii) năng lực và kỹ năng; iii) kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó, nội dung “Tiếp nhận, quản lý đối tượng” thuộc phần ii) năng lực và kỹ năng, tuy vậy tỷ trọng điểm đánh giá nhỏ. Ở một số cơ sở trợ giúp, một số về kiểm huấn, giám sát chuyên môn nhưng hiếm có cơ sở có bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá chung dịch vụ, bao gồm quản lý trường hợp. Đối với một số chương trình của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc cơ sở trợ giúp xã hội được chuyển giao kỹ thuật từ các tổ chức này, việc đánh giá chất lượng quản lý trường hợp với trẻ có những sắc nét riêng, mặc dù phần nào theo tiêu chí, hướng dẫn riêng của tổ chức đó.
Các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng quản lý trường hợp thể hiện rõ phụ thuộc ba nhóm chính: năng lực cán bộ, các thành tố về đánh giá và các điều kiện tổ chức. Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý trường hợp với trẻ cần sự bảo vệ được đề xuất với 03 nhóm các tiêu chuẩn: Sự cải thiện của trẻ từ đáp ứng các nhu cầu đa dạng của trẻ; thực hiện tiến trình/nhiệm vụ chính theo các nguyên tắc quản lý trẻ đã được quy định; tính chuyên nghiệp. Ngoài ra là nhóm tiêu chí cần xem xét áp dụng về lâu dài như tiêu chí cơ sở trợ giúp, tiêu chí nhân viên, tiêu chí về quản trị tự đảm bảo chất lượng. Các tiêu chí này được đề xuất đo bằng nhiều phương thức khác nhau theo các chiều cạnh đánh giá về trẻ, đánh giá thực hành của nhân viên quản lý trường hợp và đánh giá chương trình/dịch vụ.
Tuy bộ tiêu chí đã đề xuất dựa trên các cơ sở nhất định về lí luận, kinh nghiệm quốc tế và kết quả nghiên cứu thực tế nhưng để áp dụng được bộ tiêu chí này vào thực tế còn nhiều yếu tố điều kiện. Hiện nay, trong bảo vệ trẻ em, mạng lưới các cơ sở cung cấp được nhận định còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Chưa có các bộ tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ sở này. Từ đó, việc tổ chức, triển khai các dịch vụ của các cơ sở cũng chưa có nền tảng là các tiêu chí để họ tự kiểm soát chất lượng. Ngoài các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, hệ thống cán bộ bảo vệ trẻ em được hình thành từ cấp trung ương xuống xã, phường, chủ yếu tập trung vào bảo trợ xã hội với các nhóm trẻ đã được quy định bởi luật và một số trường hợp ca trẻ bị xâm hại nổi bật. Phần lớn cán bộ kiêm nhiệm công tác trẻ em lại chưa được đào tạo bài bản về quyền trẻ em, công tác xã hội hay công tác bảo vệ trẻ em, tỷ lệ luân chuyển, rời bỏ công việc lớn, khối lượng công việc kiêm nhiệm nhiều. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao. Và thực tế có một số nhóm trẻ cần sự trợ giúp, nhất là những trẻ chưa đủ điều kiện để xác định là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, bị bỏ lại phía sau vì khoảng trống, bất cập trong khung pháp luật và triển khai chính sách cấp địa phương.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị: Cần thực hiện theo lộ trình và thời gian để cải thiện, tích lũy các yếu tố điều kiện để thực hiện đánh giá chất lượng quản lý trường hợp; Tiếp tục áp dụng bộ tiêu chí để đánh giá thử nghiệm thực tế với các loại hình trung tâm, cơ sở trợ giúp xã hội và hoàn thiện bộ tiêu chí khung trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và tạo sự linh hoạt cho điều kiện và mức độ áp dụng phù hợp với các tỉnh thành tự đề xuất điều chỉnh; Tiếp tục phát triển bộ tiêu chí chi tiết để hướng dẫn hoạt động quản lý trường hợp với từng nhóm trẻ cần bảo vệ khẩn cấp; Tiếp tục phát triển bộ tiêu chí quản lý trường hợp với khung rộng hơn với tất cả các nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và cả những trẻ chưa được quy định là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nhưng có nhiều nhu cầu; Xác định các tiêu chí theo mức độ cụ thể (bắt buộc, khuyến khích và xuất sắc), các định mức cụ thể (nhân sự, số lượng ca, thời gian ca,...) gắn với định mức khung giá kỹ thuật các dịch vụ bảo vệ trẻ em; Tạo sự liên thông, kế thừa kết quả từ các báo cáo nghiên cứu hay các hướng dẫn trong cùng lĩnh vực do các cơ quan tham mưu thực hiện như cơ sở cung cấp dịch vụ trẻ em, danh mục dịch vụ bảo vệ trẻ em, định mức khung giá kỹ thuật dịch vụ trẻ em, tiêu chuẩn cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, tiêu chuẩn về nhân viên công tác xã hội với mục tiêu tham mưu đồng bộ và đầy đủ trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em; Tiếp tục nghiên cứu về tiêu chuẩn cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.
- Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp... (13/11/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện khuôn mặt và thử nghiệm,... (11/11/2024)
- Giải pháp tăng cường công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý sử... (08/11/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không... (06/11/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để diễn toán dòng chảy phục vụ phân bổ... (04/11/2024)