Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 47400
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN

Xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá rô phi trong môi trường nước lợ bằng công nghệ Biofloc tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng (24/01/2024)

Hải Phòng có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Thành phố Hải Phòng có khoảng 17.000 ha diện tích mặt nước thuận lợi cho phát triển nuôi các đối tượng hải sản, hiện có khoảng 15.000 ha diện tích mặt nước lợ thuận lợi cho phát triển nuôi các đối tượng thủy sản (tôm, cua, cá nước lợ, rong câu...). Các vùng có điều kiện phát triển nuôi thủy sản nước lợ như: Dương Kinh, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Hải An, và Vĩnh Bảo.

Cá rô phi được thành phố Hải Phòng xác định là một đối tượng quan trọng để phát triển kinh tế thủy sản của thành phố theo Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản Hải Phòng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 18/12/2015 của Hội đồng nhân dân. Quyết định số 1007/QĐ-UBND ngày 09/6/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Phê duyệt đề án, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Con giống trước khi thả giống tại mô hình.

Công nghệ biofloc (BFT) dựa trên nguyên lý bổ sung nguồn cacbon theo một tỷ lệ phù hợp với lượng nitơ sẵn có trong nước ao để làm thức ăn cho vi sinh vật dị dưỡng có trong ao, tạo điều kiện cho nhóm này phát triển chiếm ưu thế. Vi sinh vật dị dưỡng sẽ chuyển hóa các hợp chất chứa nitơ trong nước ao thành protein có trong biofloc, nhờ đó tái sử dụng được nguồn nitơ từ chất thải hòa tan trong nước ao, chuyển hóa thành sinh khối thức ăn tự nhiên cho cá nuôi, làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn nuôi cá, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tập hợp các biofloc là nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng, chứa các axit béo thiết yếu, carotenoids, axit amin tự do các khoáng chất vi lượng và vitamin C. Khi bổ sung nguồn Các bon được vi sinh vật sẽ hấp thụ Ni tơ từ chất thải của cá nuôi tạo nên sinh khối và hình thành nên các hạt biofloc. Sinh khối các hạt biofloc được cá sử dụng làm thức ăn tự nhiên. Nhờ vậy, BFT có khả năng làm sạch môi trường ao nuôi, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên và nâng cao hiệu quả chuyển hóa dinh dưỡng thức ăn. Do đó, BFT là một giải pháp công nghệ sinh học mới góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

Phát triển nuôi cá rô phi trong đầm nước lợ là một giải pháp kỹ thuật luân canh, ngắt vụ phục hồi các ao nuôi tôm bị bỏ hoang do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh kéo dài đang có xu hướng tăng cao. Tại các ao được đầu tư nuôi tôm thâm canh bị ô nhiễm môi trường, lây nhiễm dịch bệnh, việc tiếp tục nuôi tôm sẽ không đạt hiệu quả, cần phải ngắt vụ chuyển sang nuôi đối tượng cá, cải tạo lại môi trường, thì việc tận dụng cơ sở vật chất của các ao nuôi tôm này chuyển sang luân canh nuôi cá sẽ mang lại hiệu quả hơn. Để thực hiện các mục tiêu này thì việc ứng dụng những công nghệ nuôi mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sinh học là rất cần thiết.

Cho đến nay, kỹ thuật nuôi cá rô phi tại Hải Phòng chủ yếu đang áp dụng quy trình nuôi thay nước, khi tại ao nuôi có sự ô nhiễm nguồn nước do chất thải trong ao gia tăng, tiến hành thay nước để bảo đảm chất lượng nước trong ao nuôi. Ở những vùng ven biển với nhiều trang trại nuôi thủy sản, dịch bệnh từ nguồn nước dễ dàng lây lan thông qua nguồn nước. Do đó, giảm thay nước là một biện pháp để đảm bảo an toàn sinh học trong ao nuôi cá rô phi. Nuôi cá rô phi ngày càng được thâm canh hóa và vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trở nên cấp thiết.

Nhằm xử lý những vấn đề ô nhiễm nguồn nước, hạn chế dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản tại, Công ty TNHH Phát triển Thủy sản Hoàng Hương chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp quận “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá rô phi trong môi trường nước lợ bằng công nghệ Biofloc tạo phường Tân Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng”, dự án do Phạm Văn Bảo làm chủ nhiệm. Dự án được Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quận ngày 15/11/2022 tại Ủy ban nhân dân quận Dương Kinh.

Dự án tiếp nhận chuyển giao quy trình nuôi cá rô phi bằng công nghệ Biofloc trong môi trường nước lợ từ Viện Tài nguyên và Môi trường biển. Mô hình được thực hiện trên cơ sở ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ bằng công nghệ biofloc với ao nuôi có diện tích 1000 – 5000/ao m2. Quy mô của mô hình có thể sử dụng những diện tích ao từ 1000m2 trở lên, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao mô hình được đề xuất >0,5 ha để tận dụng lao động, nguyện liệu, trang thiết bị. Các bước kỹ thuật để thực hiện mô hình như sau: Lựa chọn, chuẩn bị ao nuôi: Lựa chọn khu nuôi theo các tiêu chí kỹ thuật của quy trình; Thiết kế khu nuôi theo quy mô sản xuất, được thiết kế theo tiêu chí kỹ thuật của quy trình; Dọn tẩy và khử trùng ao nuôi theo kỹ thuật của quy trình; Cấp nước ao nuôi theo kỹ thuật của quy trình; Tạo biofloc cho ao nuôi theo kỹ thuật của quy trình; Chọn cá giống, vận chuyển và thả cá giống theo kỹ thuật của quy trình; Chăm sóc và quản lý ao nuôi theo kỹ thuật của quy trình; Thu hoạch cá thương phẩm theo kỹ thuật của quy trình.

Theo đó, Dự án triển khai với quy mô 0,5ha, mật độ 6 con/m2; thời gian nuôi trên 150 ngày/vụ; cỡ cá thu hoạch trên 500g/con; tỷ lệ sống sau 5 tháng nuôi cá đạt kích cỡ trung bình 656,8 g/con; hệ số thức ăn (FCR) là 1,29. Thức ăn tiêu thụ theo trọng lượng khô (DFI) là 0,82 kg thức ăn/con; Hiệu quả sử dụng protein (PER) ở là 3,29 kg cá/kg protein. Với hệ thống BFT cho năng suất trên 32 tấn/ha cao gấp 2 lần, giảm giá thành sản phẩm lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao hơn. Lợi nhuận ròng tính theo 1ha cao hơn 2,7 lần. Tỷ suất lợi nhuận (hiệu quả đồng vốn) tăng cao hơn từ 1,66 lần. Lợi nhuận biên tăng từ 1,9 lần. Như vậy, giá thành cho 1 kg cá rô phi thương phẩm từ 24.000 – 25.000 đồng. Với giá bán trung bình tại đầu bờ cho 1 kg cá rô phi nước lợ từ 33.000 - 35.000 đồng/kg thì người nuôi được lãi trung bình 8000 - 10000 đồng/kg. Trong khi đó ở mô hình nuôi tại địa phương hiện nay chi phí thức ăn chiếm > 80%, giá thành sản xuất cho 1 kg cá cao hơn là 30.000 đồng/kg đã làm cho lợi nhuận thấp hơn so với mô hình ứng dụng BFT. Việc ứng dụng BFT cho hiệu quả cao hơn so với công nghệ hiện nay đang áp dụng tại địa phương.

Đồng thời, dự án đã đào tạo được 05 kỹ thuật viên nắm vững, ứng dụng thành thạo làm chủ hoàn toàn quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ bằng công nghệ biofloc và tập huấn cho 40 người dân nuôi trồng thủy sản tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng, nắm được quy trình kỹ thuật nuôi cá cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ bằng công nghệ biofloc.

Kết quả của dự án đã tạo ra mô hình điểm, mô hình ứng dụng công nghệ nuôi mới, tiên tiến sẽ từng bước thúc đẩy người dân nuôi tăng thêm thu nhập, đồng thời góp phần thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản Hải Phòng theo hướng an toàn thực phẩm, ứng dụng tốt khoa học và công nghệ theo quy hoạch chung của thành phố./. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.