Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 15807 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Xây dựng mô hình trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm (14/04/2025)
Nghề trồng nấm linh chi đã có từ lâu đời và đang phát triển mạnh tại một số tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Bình Thuận nghề trồng nấm linh chi chưa thật sự phát triển mạnh, đa phần các hộ dân thích nghề trồng nấm đều chưa thật mạnh dạn quyết định trồng nấm do nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên theo nhận định trong tương lai thì nghề trồng nấm tại Bình Thuận sẽ thực sự phát triển mạnh do nguồn nguyên liệu trồng nấm linh chi sẽ dồi dào hơn khi cây cao su ở huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân… già hóa và hết khả năng khai thác mủ.
Nấm linh chi, nấm rơm tới giai đoạn thu hoạch.
Với mục tiêu hướng đến đa dạng hóa các ngành nghề, mở ra hướng mới để phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh tận dụng thời gian, lao động nhàn rỗi, lại không cần phụ thuộc vào thời vụ để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Năm 2023,Trung tâm thông tin và Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ đã triển khai nhiệm vụ nghiên cứu: “Xây dựng mô hình trồng nấm linh chi, nấm rơm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm” do CN Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm.
Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu tổng quan về nấm linh chi, cụ thể: Nấm linh chi có nhiều tên gọi khác nhau như: Bất Lão Thảo, Vạn Niên Thảo, Trần Tiên Thảo, Chi Linh, Đoạn Thảo, Nấm Lim… Mỗi tên gọi gắn liền với một giá trị dược liệu của nó. Tên gọi linh chi bắt nguồn từ Trung Quốc, hay theo tiếng Nhật là Reishi hoặc mannentake, tên gọi Latinh là Ganoderma lucidum. Trong thiên nhiên, linh chi (Ganoderma) là các loài nấm gỗ mọc hoang trong thiên nhiên, có hàng trăm loài khác nhau cùng họ nấm gỗ (ganodermataceae) nhưng có 2 nhóm lớn là linh chi và cổ linh chi. Về mặt hình thái, nấm linh chi là dạng thể quả. Thể quả có cuống dài hoặc ngắn, thường đính bên, đôi khi đính tâm. Cuống nấm thường hình trụ hoặc thanh mảnh (0.3-0.8 cm đường kính), hoặc mập khỏe (2-3.5 cm đường kính), ít khi phân nhánh, dài từ 2.7 – 22 cm, đôi khi có uốn khúc cong quẹo. Lớp vỏ cuống láng đỏ – nâu đỏ – nâu đen, bóng, không có lông, phủ suốt lên bề mặt tán nấm. Mũ nấm khi non có hình trứng, lớn dần có dạng thận, gần tròn, đôi khi xòe hình quạt hoặc có hình dạng khác thường. Trên mặt nấm có vân gợn đồng tâm và có chia rãnh phóng xạ, màu sắc đỏ nâu, nâu tím, nâu đen, nhẵn bóng, láng như veni, thường sẫm màu dần khi già. Kích thước tán biến động lớn từ 2 – 36 cm, dày 0.8 - 3.3 cm. Phần đính cuống gồ lên hay lõm. Phần thịt nấm màu vàng kem – nâu nhạt, phân chia theo kiểu lớp trên và lớp dưới. Khi nấm đến tuổi trưởng thành thì phát tán bào tử từ phiến có màu nâu sẫm. Bào tử nấm thường có dạng hình trứng cụt đầu màu rỉ sắt. Cấu tạo vỏ ngoài bào tử gồm hai lớp, có thể quan sát được dưới kính hiển vi. Lớp ngoài nhẵn, lớp trong có nhiều gai nhỏ, nối liền hai lớp vỏ. Bào tử nấm linh chi có kích thước trung bình 4.5 – 6,5 x 8,5 – 11,5 μm. Nấm linh chi thường mọc trên cây thân gỗ (thuộc bộ đậu fabales) sống hay đã chết. Nấm mọc tốt dưới bóng rợp, ánh sáng khuếch tán nhẹ. Ở Việt Nam, nấm linh chi phân bố khắp từ Bắc chí Nam, tùy theo từng vùng mà có các chủng loại khác nhau. Ở những vùng thấp có độ cao dưới 500 m, có các chủng chịu được nhiệt độ cao (28 – 35oC) như vùng châu thổ sông Hồng, vùng trung du Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở vùng cao như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo… lại có các chủng loại ôn hòa, thích hợp nhiệt độ thấp (20 – 26oC).
Khác với nấm linh chi, nấm rơm là loại nấm khá quen thuộc của nhân dân các nước Châu Á, nhất là Đông Nam Á, chủ yếu là vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nấm thường mọc trên nguyên liệu phổ biến là rơm nên có tên chung là nấm rơm (Straw mushroom). Nấm rơm (còn gọi là Nấm rạ, Thảo Cô) có tên khoa học là Volvariella volvacea (Bull. Ex Fr.), thuộc họ Pluteaceae, bộ Agaricales, lớp phụ Hymenomycetidae, lớp Hymenomycetes, ngành phụ Basidiomycotina, ngành Nấm thật-Eumycota, giới Nấm Mycota hay Fungi. Nấm rơm ưa độ ẩm không khí cao khoảng từ 80% trở lên. Nếu độ ẩm nhỏ hơn 80% nấm rơm sẽ sinh trưởng chậm. Độ ẩm tương đối trong nguyên liệu thường là 65-70%. Độ ẩm lên cao hơn có thể gây yếm khí cho tơ nấm vì ôxy không phát tán được vào cơ chất, mà nấm lại rất cần cho quá trình hô hấp. Độ ẩm xuống thấp, các chất dinh dưỡng khó hoà tan làm nấm không thể hấp thụ, dần dần suy yếu đi. Ở giai đoạn ủ tơ nhiệt độ thích hợp nhất là 25-35oC. Khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc có gió lạnh thì phải che chắn cẩn thận, giữ cho nấm không bị tác động bởi không khí bên ngoài. Trong quá trình phát triển, nấm rơm hô hấp mạnh nên cần thông thoáng để có đủ ôxy nhưng chú ý không làm ảnh hưởng xấu đến nhiệt độ và ẩm độ do nấm rất sợ gió lùa, gió mạnh làm lạnh và khô mặt giá thể, tránh gió lùa trực tiếp. Giai đoạn ra quả thể nấm rơm cần tiếp xúc với ánh sáng khoảng 15 – 20 phút trong khoảng từ 7 – 9 giờ thì rất tốt cho những hoạt động biến dưỡng bên trong nấm. Độ pH môi trường nấm rơm có thể phát triển tốt là 6-7,5. Vì vậy cần lưu ý nước tưới cho nấm rơm phải là nước ngọt, không nhiễm phèn, không nhiễm mặn, không nhiễm bẩn nhất là ô nhiễm thuốc sát trùng.
Nghiên cứu của đề tài cho thấy phân hữu cơ là phân chứa những chất dinh dưỡng ở dạng những hợp chất hữu cơ như: phân chuồng, phân xanh, phân than bùn, phụ phế phẩm nông nghiệp, phân rác…
Từ kết quả nghiên cứu tổng quan nhóm nghiên cứu đã lựa chọn hộ tham gia đề tài là hộ ông Cao Tuấn Phương, tại Thôn thôn Hiệp Phú, xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Ban chủ nhiệm đề tài, đơn vị chủ trì đã phối hợp với hộ dân thiết kế và xây dựng nhà trồng nấm theo các bước cụ thể như sau: Bước 1: xây dựng khung nhà trồng Thiết kế nhà trồng nấm: nhà trồng nấm mái hở chữ A, diện tích 40m2 (10m x 4m). Khung nhà trồng nấm: khung sắt, trụ sắt tròn f90, khung chính sắt 3 vuông. Mái lợp tôn lạnh. Bước 2: vây lưới trắng toàn bộ 4 mặt nhà trồng. Các tấm lưới được may với nhau đảm bảo đủ diện tích vây toàn bộ 4 mặt của nhà trồng. Dùng đinh vít cố định lưới vào các khung sắt của nhà trồng, đảm bảo không có côn trùng bay vào nhà trồng. Bước 3: phủ lưới cắt nắng toàn bộ nhà trồng. Tương tự như phủ lưới chống côn trùng, lưới cắt nắng cũng được may lại đảm bảo đủ diện tích phủ toàn bộ nhà trồng. Mục đích giảm sáng nhà trồng nấm vì nấm linh chi sinh trưởng tốt ở ánh sáng yếu. Bước 4: lắp hệ thống tưới phun sương. Mục đích kiểm soát tốt nhiệt độ và độ ẩm cho nhà trồng nấm, giúp nấm sinh trưởng tốt. Nhóm nghiên cứu chọn loại béc tưới tạo ra tia nước ở dạng sương mù giúp nấm hấp thu tốt, tránh dùng vòi tưới trực tiếp vô tai nấm. Tính toán thiết kế hệ thống tưới đảm bảo đủ độ ẩm nhà trồng, tránh tình trạng chổ dư ẩm và chỗ thiếu ẩm. Bước 5: thiết kế kệ đặt bịch phôi nấm hình chữ A. Kết quả tỷ lệ các bịch phôi ra nấm đạt hiệu suất cao 97.5%. Tỷ lệ bịch xấu, loại bỏ là 2.5%. Tổng sản lượng nấm linh chi thu hoạch được 70 kg.
Kết quả xây dựng quy trình trồng nấm rơm trên mùn cưa thải trồng nấm linh chi, gồm: (1) Xử lý nguyên liệu: Mạt cưa trồng nấm linh chi tạo thành khối sẽ được làm tơi, đảm bảo kết cấu mạt cưa rời rạc giúp khâu xử lý nguyên liệu được tốt hơn, giảm tỷ lệ nhiễm khi trồng nấm. Dùng nước vôi tỷ lệ 2-3% tưới đều lên đống ủ đảm bảo độ ẩm nguyên liệu từ 50% đến 60%. Ủ trong khoảng thời gian 15 ngày. Trong quá trình ủ khoảng 3 ngày đảo nguyên liệu 1 lần giúp đống ủ được đều. Thường xuyên kiểm tra độ ẩm đống ủ. Nếu đống ủ khô phải bổ sung thêm nước vôi; (2) phối trộn dinh dưỡng: Để nâng cao năng suất nấm, có thể phối trộn thêm dinh dưỡng vào đống ủ. Các loại dinh dưỡng phối trộn cho nấm rơm chủ yếu bao gồm: Phân hữu cơ, phân vô cơ, khoáng…; (3) làm mô nấm: Ra mô kích thước rộng 30-40cm, cao 30cm. Meo nấm rơm được bóp nhuyễn và cấy meo theo từng lớp 10cm mô (trên cùng là một lớp meo). Tiếp theo, sử dụng màn phủ nông nghiệp đen hoặc bạt nilong tối màu đậy kín, ủ tơ 4-5 ngày (không tưới nước) đến khi tơ giăng đầy mô nấm; (4) chăm sóc thu hoạch: Trong giai đoạn nuôi ủ tơ, vấn đề giữ ấm cho mô nấm rất quan trọng. Do đó, cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ. Nhiệt độ đo bằng nhiệt kế, đút sâu vào bên hông mô, khoảng 2/3, hoặc có thể dùng tay áp sát thành mô để kiểm tra. Nhiệt độ trong mô luôn phải giữ trên 35oC, nếu xuống thấp, có thể mô bị thiếu ẩm hoặc thời tiết lạnh. Trong thời gian ủ tơ, hạn chế tưới nước, vì nấm dại dễ phát triển, ảnh hưởng đến nấm trồng. Nhưng vào những tháng nắng gắt, mô nấm bị mất nhiều nước hoặc nhiệt độ trong mô tăng cao, nên tưới nước nền đất xung quanh mô, để hạ nhiệt và bổ sung độ ẩm cho mô. Thông thường đến ngày mười hai, sau khi xếp mô, tơ nấm rơm bắt đầu xuất hiện và đan thành mạng nhện bên hông mô hoặc ngửi thấy mùi meo nấm rơm. Đây là thời điểm tưới đón nấm. Lúc này, lượng nước tưới nhiều hơn và đều khắp mặt mô nấm. Nước sẽ làm giảm nhiệt độ, kích thích tơ nấm kết quả thể. Ở giai đoạn này, cần lấy bớt áo mô để cho thoáng khí và mỗi sáng khoảng 8 - 9 giờ, nên phơi mô trần dưới nắng 20 - 30 phút. Nhờ ánh sáng các nụ nấm sẽ phát triển tốt hơn. Sau đó tưới nước và đậy áo mô lại. Nấm rơm lớn rất nhanh. Thời gian thu hoạch một đợt nấm chỉ kéo dài từ 3 - 4 ngày, nhiều nhất vào ngày thứ 2 và 3, còn ngày đầu và cuối thường không đáng kể. Nấm thu ở dạng cầu giữ được lâu hơn, nhưng năng suất giảm. Ngược lại, ở dạng kéo dài, thì năng suất tăng, nhưng tai nấm mau nở, thời gian bảo quản ngắn. Tốt nhất là thu hái nấm ở dạng trứng. Sau khi thu hoạch đợt 1, nếu muốn tiếp tục thu hái đợt 2 hoặc đợt 3, phải tiếp tục ủ tơ trở lại (thường là 5 - 6 ngày) và sau đó tưới đón nấm (như đợt 1). Một mô nấm có thể thu nhiều đợt, nhưng những đợt sau nấm giảm, nên để kinh doanh, người trồng chỉ thu hai hoặc ba đợt là thu dọn, để xử lý đất và nuôi trồng mới. Kết quả nội dung trồng nấm rơm từ mùn cưa thải trồng nấm linh chi thu được tổng sản lượng thu hoạch nấm rơm là 35 kg nấm rơm với giá bán bình quân 80.000 đ/kg.
Xây dựng quy trình làm phân hữu cơ từ mạt cưa trồng nấm bao gồm các bước: Bước 1 trộn đều mùn cưa, phân bò. Bước 2 hòa chế phẩm E.M, rỉ đường với nước, tưới đều nước lên đống phân đến độ ẩm 50-55% (dùng tay vắt, nước vừa rịn ra kẻ tay là vừa). Bước 3 đảo trộn đều, đánh đống phân ủ cao 1-1,5m, sau đó dùng bạt nylon màu tối đậy kín. Bước 4 sau 15-20 ngày, mở bạt ra (nhiệt độ khoảng 60-700C), đảo trộn đều, tưới thêm nước, tiếp tục đậy lại ủ thêm 15-20 ngày. Bước 5 sau 35-50 ngày kể từ ngày ủ, phân hoai mục hoàn toàn. Có thể sử dụng bón cho các loại cây trồng.
Sau khi đã trừ hết chi phí, lợi nhuận thu được qua thực tế triển khai đề tài là 16.940.000 đ/vụ.
Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa mô hình trồng nấm mới đến với địa phương, được rất nhiều người dân tại địa phương quan tâm, mở ra hướng phát triển kinh tế nông nghiệp mới.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Truyền thông Hải Phòng./.
- Nghiên cứu phát triển công nghệ tích hợp sinh học - hóa lý nhằm ứng dụng để xử lý... (26/04/2025)
- Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi ốc hương thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn (23/04/2025)
- Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi ốc hương thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn (23/04/2025)
- Sản xuất thử nghiệm chế phẩm thảo dược có hoạt tính kháng khuẩn sử dụng trong thức... (21/04/2025)
- Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học từ cây sở, cây dầu giun... (18/04/2025)
- Sự tham gia của người dân trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn... (16/04/2025)