Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8014
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh Probiotic trong chăn nuôi giống ngan mới VS 572 tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng (27/05/2024)

Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh Probiotic trong chăn nuôi giống ngan mới VS 572 tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng do Hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp Thành Đạt chủ trì thực hiện. Dự án đã tiếp nhận chuyển giao Quy trình ứng dụng chế phẩm probiotic trong chăn nuôi ngan VS 572, đồng thời đào tạo được 05 cán bộ kỹ thuật cơ sở nắm vững quy trình kỹ thuật ứng dụng chế phẩm Probiotic, thực hành áp dụng tại mô hình chăn nuôi ngan thôn Lật Khê, xã Quang Phục và tập huấn cho các hộ trong vùng triển khai.

Với mô hình thực nghiệm ứng dụng chế phẩm vi sinh vật Probiotic bổ sung vào thức ăn chăn nuôi ngan VS 572 đã tiến hành bổ sung chế phẩm Probiotic với lượng 4 kg/tấn thức ăn cho đàn quy mô 3.000 con. Đánh giá ảnh hưởng của Probiotic đến các chỉ tiêu vi sinh vật trong mẫu phân ngan thuộc đàn mô hình và đàn đối chứng cho thấy, về chỉ tiêu tỷ lệ nhiễm Salmonella, tại thời điểm 07 ngày sau khi bổ sung chế phẩm Probiotic vào thức ăn cho ngan thuộc mô hình, tỷ lệ ngan nhiễm Salmonellalà 6,67%. Trong khi đó, tại cùng thời điểm lấy mẫu phân ngan ở các đàn ngan nuôi đối chứng để xét nghiệm kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm Salmonellacó xu hướng tăng với tỷ lệ trung bình là 26,67%. 15 ngày sau khi bổ sung chế phẩm Probiotic vào thức ăn cho ngan thuộc mô hình, tỷ lệ ngan nhiễm Salmonellagiảm còn 0%. Trong khi đó, tại cùng thời điểm lấy mẫu phân ngan ở các đàn ngan nuôi đối chứng để xét nghiệm kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm Salmonellacó xu hướng tăng, tỷ lệ trung bình là 46,67%.

Trộn chế phẩm Probiotic vào thức ăn.

Về chỉ tiêu số lượng vi khuẩn E. coli, sau khi bổ sung chế phẩm Probiotic 07 ngày, số lượng vi khuẩn E. coli ở đàn ngan thuộc mô hình giảm còn 8,13.103 vi khuẩn/g phân. Trong khi đó, đàn ngan nuôi đối chứng nhiễm vi khuẩn E. colivới số lượng trung bình là 1,34.105 vi khuẩn/g phân. Sau khi bổ sung chế phẩm Probiotic 15 ngày, số lượng vi khuẩn E. coli ở đàn ngan thuộc mô hình là 2,99.103 vi khuẩn/g phân. Trong khi đó, đàn ngan nuôi đối chứng nhiễm vi khuẩn E. colivới số lượng trung bình là 3,65.105 vi khuẩn/g phân. Như vậy, việc bổ sung chế phẩm Probitic trong thức ăn chăn nuôi ngan có tác dụng ổn định hệ vi sinh vật đường ruột, làm giảm đáng kể lượng vi khuẩn gây bệnh tiêu hoá như Salmonella, E. coli. Từ đó, gián tiếp hạn chế hiện tượng tiêu chảy trên đàn ngan nuôi.

Trong quá trình theo dõi chỉ tiêu sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn, so sánh tỷ lệ nuôi sống của đàn ngan thuộc mô hình ứng dụng Probiotic và đàn đối chứng không bổ sung chế phẩm, nhóm nghiên cứu nhận thấy, ở giai đoạn đầu (0-3 tuần tuổi), tỷ lệ nuôi sống trung bình ở đàn ngan có bổ sung Probiotic là 96,43%, hao hụt 3,57%. Nguyên nhân hao hụt chính là do khi ngan còn nhỏ, khả năng thích nghi với các yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ ẩm,...) kém nên ngan dễ mắc bệnh, do đó làm tăng tỷ lệ loại thải và hao hụt. Ở đàn đối chứng, tỷ lệ nuôi sống trung bình là 92,33%, thấp hơn so với tỷ lệ nuôi sống ở đàn ngan có bổ sung Probiotic là 4,1%. Bên cạnh các yếu tố về điều kiện môi trường thì số lượng ngan chết cao hơn tại đàn đối chứng chủ yếu là do ngan mắc bệnh tiêu chảy. Ở giai đoạn 3 tuần tuổi - xuất thịt, giai đoạn này tuy dài hơn song cơ thể ngan đã thích nghi với điều kiện ngoại cảnh, bên cạnh đó, ở đàn đối chứng cũng sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh nên tỷ lệ nuôi sống của các đàn giữ ở mức ổn định. Ở đàn ngan mô hình có bổ sung Probiotic, tỷ lệ nuôi sống là 98,82%, trên đàn đối chứng là 95,23%, thấp hơn đàn mô hình 3,59%. Tính chung cả giai đoạn (01 ngày tuổi - xuất thịt), tỷ lệ nuôi sống ở đàn mô hình có bổ sung Probiotic là 95,30% (đạt so với thuyết minh dự án trình duyệt) trong khi đó tỷ lệ nuôi sống ở lô đối chứng là 87,93%, thấp hơn so với mô hình là 7,37%. Điều này cho thấy việc bổ sung chế phẩm Probiotic vào thức ăn trong quá trình chăn nuôi ngan có tác dụng làm giảm số lượng vi khuẩn gây bệnh đường ruột, từ đó giúp tăng tỷ lệ nuôi sống trên đàn ngan.

Về khối lượng cơ thể đàn ngan, khi bắt đầu nuôi, khối lượng cơ thể trung bình của ngan tại các đàn tương đương nhau (ở mô hình khối lượng cơ thể trung bình của ngan là 52,16 g/con; đàn đối chứng là 52,45 g/con). Nhưng theo thời gian, đàn ngan ở lô có bổ sung chế phẩm Probiotic tăng trọng nhanh hơn. Kết thúc 70 ngày nuôi, khối lượng cơ thể ngan ở lô có bổ sung Probiotic trung bình là 3.561 g/con, ở lô đối chứng là 3.198 g/con. Tính chung cho cả giai đoạn nuôi, tăng trọng bình quân/ngày ở đàn có bổ sung Probiotic là 50,14 g/con/ngày, ở đàn đối chứng là 44,94 g/con/ngày. Kết quả theo dõi cho thấy việc bổ sung chế phẩm Probiotic vào thức ăn đã cải thiện rõ rệt tốc độ tăng trọng của đàn ngan, từ đó ảnh hưởng tốt đến khối lượng cơ thể của đàn ngan.

Tiêu tốn thức ăn trên đàn ngan có bổ sung Probiotic giai đoạn 0-3 tuần tuổi là 2,74 kg thức ăn/kg tăng trọng, ở đàn đối chứng là 3,0 kg thức ăn/kg tăng trọng (cao hơn so với đàn mô hình là 0,26 kg). Giai đoạn 4 tuần tuổi - xuất thịt, hệ số tiêu tốn thức ăn trên đàn ngan có bổ sung Probiotic là 3,29 kg thức ăn/kg tăng trọng, ở đàn đối chứng là 3,51 kg thức ăn/kg tăng trọng (cao hơn so với đàn mô hình là 0,21 kg). Tính chung cho cả quá trình nuôi, tiêu tốn thức ăn trung bình trên đàn ngan có bổ sung Probiotic là 2,88 kg thứ ăn/kg tăng trọng; ở đàn đối chứng là 3,09 kg thức ăn/kg tăng trọng, cao hơn so với mô hình là 0,21 kg. Như vậy, với cùng lượng thức ăn nhưng có thể thấy rõ hiệu quả sử dụng thức ăn của các đàn ngan là rất khác nhau, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể ở đàn có bổ sung chế phẩm Probiotic thấp hơn đồng nghĩa với hiệu suất chuyển hóa thức ăn hiệu quả hơn. Nguyên nhân là do việc bổ sung chế phẩm Probiotic giúp ổn định hệ vi sinh vật đường ruột, làm giảm số lượng vi khuẩn gây bệnh, tăng số lượng vi khuẩn hỗ trợ tiêu hóa, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển hóa thức ăn tốt hơn.

Thu ngan VS 572 tại mô hình ứng dụng chế phẩm Probiotic.

Từ những kết quả trên, nhóm nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình. Theo đó, đàn ngan ở mô hình sử dụng thức ăn có bổ sung chế phẩm Probiotic cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng quy mô, điều kiện chăn nuôi. Lợi nhuận thu được từ mô hình nuôi 3.000 con ngan VS 572 thương phẩm có bổ sung chế phẩm Probiotic là 105,669 triệu đồng/lứa 3.000 con, tương ứng với mức lãi bình quân 36.960 đồng/con. Trong khi đó, mô hình chăn nuôi 3.000 con ngan VS 572 thương phẩm thông thường mang lại lợi nhuận 62,144 triệu đồng/lứa 3.000 con, tương ứng với mức lãi bình quân 23.557 đồng/con, thấp hơn so với mô hình có bổ sung Probiotic là 43,525 triệu đồng.

Để quản lý, vận hành và nhân rộng mô hình, Ban chủ nhiệm dự án đề xuất các giải pháp cụ thể về xây dựng cơ chế chính sách; tăng cường hoạt động công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức đoàn thể, cá nhân trên địa bàn xã và giải pháp khoa học công nghệ.

Kết quả triển khai dự án đã tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao, góp phần đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng thêm thu nhập và việc làm cho người dân lao động địa phương; đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Dự án tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng./.