Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 28146 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ xử lý cận và sau thu hoạch vải thiều Bát Trang (20/01/2025)
Ở Việt Nam, vải thiều là một trong những loại cây trồng đặc sản, được trồng ở hầu khắp các tỉnh thành phía Bắc nước ta và trở thành cây ăn quả chủ lực trong cơ cấu phát triển Nông nghiệp. Với hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong quả như hàm lượng đường cao, hàm lượng axit thích hợp cùng với các chất khoáng và vitamin tạo nên hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Chính vì vậy quả vải được người tiêu dùng ưa chuộng và có một vị thế cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thực nghiệm mô hình ứng dụng công nghệ sau thu hoạch bảo quản vải thiều Bát Trang.
Vải thiều Bát Trang được công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2016 theo Quyết định số 52770/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là một trong 34 sản phẩm đầu tiên được công nhận nhãn hiệu tập thể của Hải Phòng. Hiện nay, diện tích sản xuất vải tại Bát Trang 160 ha trong đó diện tích sản xuất vải thiều vào khoảng 80 ha, tuy nhiên những năm gần đây có xu hướng giảm dần do sản xuất vải gặp nhiều rủi ro: sản phẩm vải thiều Bát Trang phải cạnh tranh với các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang, Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương. Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch ngắn lại không để được lâu do dễ thối hỏng, thường xảy ra hiện tượng nứt vỏ quả, mã quả giảm rất nhanh do màu vỏ bị nâu hóa sau thu hoạch. Do vậy, kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học cấp Bộ của Viện Nghiên cứu Rau quả: “Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ đồng bộ cận và sau thu hoạch nhằm cải thiện chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản đối với quả vải thiều” là rất cần thiết nhằm kéo dài thời gian thu hái và thời gian bảo quản, ổn định chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Năm 2021, từ quy trình của đề tài cấp Bộ, Viện nghiên cứu Rau quả đã chuyển giao 02 quy trình công nghệ cho Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện nhiệm vụ: “Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ xử lý cận và sau thu hoạch đối với quả vải thiều Bát Trang” do Thạc sỹ Trần Thị Nghĩa làm chủ nhiệm.
Triển khai đề tài, nhóm tác giả dự án đã thu thập, phân tích đánh giá được tình hình sản xuất, tiêu thụ vải trên thế giới và Việt Nam; thực trạng sản xuất, tiêu thụ, bảo quản vải tại Hải Phòng; những nghiên cứu chuyên môn về biến đổi sinh lý sinh hóa trong quá trình chín của quả vải; các phương pháp bảo quản vải; những nghiên cứu chuyên môn về biến đổi sinh lý sinh hóa trong quá trình chín của quả vải; một số chế phẩm và bao bì sử dụng trong mô hình và kết quả chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm của đơn vị chuyển giao. Sau khi tiếp nhận 02 quy trình công nghệ của Viện nghiên cứu Rau quả thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao: Quy trình công nghệ xử lý cận thu hoạch vải thiều và Quy trình công nghệ xử lý sau thu hoạch vải thiều dự án đã tiến hành xây dựng dự thảo mô hình lý thuyết ứng dụng đồng bộ công nghệ xử lý cận và sau thu hoạch đối với quả vải thiều Bát Trang. Chuẩn bị cơ sở vật chất về nhà sơ chế, kho lạnh tại cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tổ chức mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực, khảo sát và lựa chọn vùng triển khai mô hình.
Kết quả thử nghiệm quy trình công nghệ xử lý cận thu hoạch vải thiều Bát Trang cho thấy 0,5ha tại 02 hộ có quy trình chăm sóc, bón phân, xử lý phòng trừ dịch hại tương đương như nhau, bao gồm cả công thức đối chứng, thời gian xử lý cận thu hoạch trên cây vải. Tại hộ bà Cao Thị Phúc, thôn Đại Trang, xã Bát Trang đã lựa chọn 10 cây vải thiều có tuổi đời từ 10-15 năm; hộ bà Vũ Thị Hằng thôn Đại Trang, xã Bát Trang đã lựa chọn 20 cây vải thiều có tuổi đời từ 15-20 năm. Bố trí thực nghiệm theo đúng quy trình chuyển giao, thu hoạch quả vào 90-95 ngày sau đậu quả cho mã quả đẹp, long quả cứng; năng suất 2.580 kg/0,5ha cao hơn so với đối chứng 16,67% thu hoạch lãi thuần là 22.200.000 đồng/ha cao hơn so với đối chứng 11.000.000 đồng/ha; xử lý công nghệ cận thu hoạch đã kéo dài hơn so với vụ thu hoạch vải thiều chính vụ được từ 7-10 ngày, góp phần giải vụ, tránh ứ, dư thừa sản lượng trong thời gian từ 7-10 ngày, giá thành cao hơn so với tại thời điểm là 3.000 đồng/kg.
Kết quả thử nghiệm quy trình công nghệ xử lý sau thu hoạch vải thiều Bát Trang: quả vải sau khi được sơ chế, bỏ cành, lá và tách rời cuống quả (tại tầng rời giữa quả và cuống quả) xử lý sau thu hoạch đối với 1.000 tấn quả vào kho lạnh, thời gian bảo quản từ 21-28 ngày quả vải được xử lý sau thu hoạch có màu sắc vỏ quả vải ít bị biến đổi hơn trong quá trình bảo quản; có khả năng hạn chế hiện tượng thoát hơi nước từ đó giảm được sự tổn hao khối lượng tự nhiên; có các chỉ tiêu về chất lượng và vi sinh đảm bảo theo yêu cầu, cụ thể: Sau 21 ngày bảo quản mẫu thực nghiệm mới xuất hiện thối hỏng chiếm 3,67 %, mẫu đối chứng chiếm 19,71%; hàm lượng chất khô hòa tan tổng số 17,82 0Bx, hàm lượng vitamin C đạt 42,76mg/100g, đối chứng 40,4mg/100g. Sau 28 ngày bảo quản, tỷ lệ thối hỏng là 8,96%; mẫu đối chứng chiếm 35,73%; hàm lượng chất khô hòa tan tổng số đạt 17,560Bx, đối chứng giảm còn 16,870Bx; hàm lượng vitamin C đạt 39,46 mg/100g, đối chứng 34,65 mg/100g. Kết quả cho thấy mô hình đã triển khai cơ bản đạt tất cả các nội dung công việc, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật dự án đề ra.
Sau 20 tháng triển khai, mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ xử lý cận và sau thu hoạch vải thiều Bát Trang đã có lãi thuần là 128.600.000 đồng cao hơn so với sản xuất đại trà; trong đó vải xử lý cận thu hoạch lãi thuần là 22.200.000 đồng/ha cao hơn so với đối chứng 11.000.000 đồng; xử lý sau thu hoạch đối với 5.000 quả đưa vào bảo quản lạnh sau 28 ngày lãi thuần 117.500.000 đồng, cao hơn so với quả vải xử lý cận thu hoạch không xử lý bảo quản lạnh là 42.500.000 đồng. Thời gian bảo quản từ 21-28 ngày quả vải được xử lý sau thu hoạch có màu sắc vỏ quả vải ít bị biến đổi hơn trong quá trình bảo quản; hạn chế hiện tượng thoát hơi nước từ đó giảm được sự tổn hao khối lượng tự nhiên; Sau 28 ngày bảo quản, tỷ lệ thối hỏng là 8,96%; hàm lượng chất khô hòa tan tổng số đạt 17,560Bx; hàm lượng vitamin C đạt 39,46 mg/100g. Ngoài ra, dự án đã đào tạo và tập huấn 02 quy trình công nghệ cho 05 cán bộ quản lý của Chi cục và khuyến nông viên cơ sở và 20 người dân trong vùng dự án nắm vững, vận dụng thành thạo các kỹ thuật sản xuất, chủ động tổ chức triển khai mô hình.
Đây cũng là dự án nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ có tính khả thi cao; dự án thực hiện thành công đã giúp người sản xuất nâng cao năng lực sản xuất; mang lại giá trị kinh tế cho quả vải thiều Bát Trang; hạn chế tình trạng được mùa mất giá, ép giá của thương lái đối với sản phẩm quả vải thiều; nâng cao sức cạnh tranh của vải thiều Bát Trang đối với sản phẩm vải thiều tại các địa phương khác (vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn...). Việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, giảm thiểu rủi do cho người trồng, hạn chế tình trạng chặt bỏ giảm thiểu diện tích, đầu tư cho người sản xuất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin,Thống kê Khoa học và Công nghệ./.
- Đề xuất giải pháp phát triển hoạt động dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ tại... (22/01/2025)
- Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ hàn cho hai vật liệu khác loại đặc trưng... (17/01/2025)
- Đánh giá thực trạng tật khúc xạ và đề xuất các giải pháp can thiệp ở học sinh trung... (13/01/2025)
- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi trồng Rong nho (Caulerpa lemilifera J. Agarth)... (10/01/2025)
- Nghiên cứu chế tạo hạt vật liệu micro hợp kim crôm-niken ứng dụng phun phủ phục hồi... (20/01/2025)