Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 32276 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN
Xây dựng mô hình ứng dụng thiết bị cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng nấm ăn tại phường Đa Phúc quận Dương Kinh thành phố Hải Phòng (29/07/2024)
Nấm ăn là một thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao được biết đến và sử dụng phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra nấm còn được dùng làm dược liệu để phòng chống một số bệnh nguy hiểm như: tim mạch, béo phì, giải độc và bảo vệ tế bào gan, loãng xương... Do đó, nhu cầu về sản phẩm nấm ngày càng tăng. Trên thế giới, nấm đã được trồng trên 100 quốc gia với khoảng 20009 loài nấm ăn và nấm dược liệu đã được UNESSCO công nhận năm 2004. Sản lượng nấm trên thế giới đạt khoảng 25 triệu tấn/năm đứng đầu là Trung Quốc 2850 nghìn tấn, Hoa Kỳ 3934 nghìn tấn, Nhật Bản 360,1 nghìn tấn,...và hiện nay ở nhiều nước việc nuôi trồng và sản xuất nấm đã trở thành một ngành công nghiệp thực thụ, ở trình độ cao và hiện đại.
Tại Hải Phòng, nghề trồng nấm cũng đã phát triển từ khá lâu tại các quận huyện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp do các nguồn phế liệu nông nghiệp khá dồi dào, thu nhập từ nghề trồng nấm cũng đã mang lại hiệu quả khá cao cho nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn. Tuy nhiên, trong sản xuất nấm tại Hải Phòng cũng còn nhiều khó khăn do chưa có quy hoạch để quy tụ những hộ, những cơ sở nhỏ để phát triển thành những cơ sở có quy mô lớn để nâng cao hiệu quả, duy trì và phát triển ngày càng mạnh hơn. Việc thu gom nguồn nguyên liệu là rơm rạ cũng còn gặp khó khăn do khâu vận chuyển, băm nghiền nên giá nguyên liệu còn cao. Đặc biệt những cơ sở có trang thiết bị cơ giới cho các công đoạn sản xuất nấm còn quá ít. Khâu chế biến và thị trường tiêu thụ cũng chưa ổn định. Hiện tại, Hải Phòng có tới trên 300 cơ sở sản xuất nấm, trong đó chỉ có một vài cơ sở có đầy đủ trang thiết bị từ khâu sơ chế nguyên liệu đến khâu sản xuất nấm thương phẩm, các cơ sở còn lại là các gia trại với các quy mô lớn nhỏ khác nhau, cũng có một số gia trại có đầu tư thiết bị đóng và thanh trùng bịch nấm còn phần lớn các hộ mua bịch nấm đã cấy giống về nuôi thành nấm thương phẩm.
Việc sản xuất nấm và sơ chế chế biến nấm ở Hải Phòng nói riêng và ở nước ta nói chung còn gặp khó khăn do sản xuất còn nhỏ lẻ. Chưa định rõ vùng nguyên liệu, thu gom nguyên liệu quy hoạt vùng sản xuất và đặc biệt là chưa được cơ giới hóa các công đoạn sản xuất và sơ chế chế biến. Hiện Hải Phòng có tới 348 cơ sở sản xuất nấm, trong đó chỉ có 01cơ sở có đầy đủ trang thiết bị từ khâu chế biến đến khâu sản xuất nấm thương phẩm, các cơ sở còn lại là các gia trại với các quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng phần lớn là chỉ nuôi nấm thương phẩm do vậy hoạt động của các gia trại này không ổn định, chỉ khi có nhân công. Đứng trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân phường Đa Phúc quận Dương Kinh tiến hành triển khai dự án Xây dựng mô hình ứng dụng thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng nấm ăn trên địa bàn phường Đa Phúc, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng. Dự án nhằm mục đích giảm được nhân công trong công đoạn sơ chế rơm và đóng bịch mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Công tác khảo sát triển khai dự án.
Dự án tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thành phố Hải Phòng. Kết thúc đợt chuyển giao công nghệ đã đào tạo được 05 cán bộ kỹ thuật và hộ nông dân của phường được cấp chứng chỉ đào tạo của đơn vị chuyển giao, 100% cán bộ được đào tạo nắm vững các kỹ thuật ứng dụng thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng nấm ăn và vận dụng thành thạo quy trình công nghệ phục vụ cho công tác duy trì và nhân rộng mô hình.
Theo đó, nhóm nghiên cứu chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện dự án và thực nghiệm mô hình ứng dụng thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng nấm với quy mô: 900m2 nhà xưởng quy hoạch hệ thống sản xuất. Trong đó: khu vực sơ chế, chuẩn bị nguyên liệu: 100m2; khu khu đóng bịch: 200m2; khu vực cấy và hấp bịch: 100m2, khu ươm phôi, treo bịch nấm: 500m2. Thực hiện kế hoạch tiếp nhận công nghệ và sản xuất thực nghiệm ứng dụng hệ thống cơ giới hóa với các quy trình: Quy trình kỹ thuật nguyên lý hoạt động, vận hành bảo dưỡng sửa chữa máy băm rơm rạ trong quá trình xử lý rơm rạ tươi, khô, rơm rạ sau khi ủ đảo để đóng phôi bịch; Quy trình kỹ thuật, nguyên lý hoạt động, vận hành bảo dưỡng sửa chữa máy đóng bịch phôi nấm bán thủ công cho nguyên liệu là rơm rạ sau khi ủ đảo để đóng phôi bịch; Quy trình kỹ thuật, nguyên lý hoạt động, vận hành bảo dưỡng sửa chữa hệ thống vận chuyển nâng hạ nguyên liệu là rơm rạ khô, rơm rạ sau khi ủ đảo để bịch phôi nấm trong quá trình sản xuất nấm; Quy trình kỹ thuật, nguyên lý hoạt động, vận hành bảo dưỡng sửa chữa lò hơi và lò hấp thanh trùng phôi bịch; Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc thu hái, bảo quả sơ chế, kỹ thuật xác định, kiểm tra chất lượng sản phẩm các nguyên liệu sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu. Kết quả thực nghiệm mô hình ứng dụng thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng nấm thu được kết quả như sau: Chi phí giá thành sản xuất 01 bịch nấm theo phương pháp truyền thống là 6.400 đ/bịch, áp dụng thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất bịch nấm giảm số lượng nhân công trong quá trình sản xuất hạ giá thành sản xuất xuống còn 4.700 đ/bịch. Bên cạnh đó, bịch nấm được sản xuất bằng thiết bị máy móc sản xuất ra số lượng lớn, đồng loại, đồng thời nâng cao được chất lượng bịch nấm đạt tiêu chuẩn (theo phương pháp cơ giới hóa là 97%, phương pháp truyền thống 90%). Mô hình xử lý 18 tấn nguyên liệu rơm rạ đóng được 11.250 bịch trong đó số lượng bịch nấm xuất đạt tiêu chuẩn sau ươm xuất bán 10.960 bịch, lợi nhuận cho việc sản xuất bịch là 57.600.000 đồng. Lợi nhuận sản xuất nấm thương phẩm (10.960 bịch) thu được 5.294 kg sản phẩm nấm ≈ 158.822.000 đồng, lãi là 36.722.000 đồng. Mô hình ứng dụng thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nấm sò thương phẩm tại phường Đa Phúc quận Dương Kinh cho lãi thuần là 94.322.000 đồng (57.600.000 đ + 30.722.000 đ) cao hơn so với phương pháp sản xuất nấm thủ công từ 20-30 triệu đồng.
Máy băm rơm được sử dụng thuộc dự án.
Bên cạnh những kết quả đạt được từ mô hình ứng dụng thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng nấm, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp hoàn thiện công nghệ và mô hình ứng dụng thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng nấm ăn trên địa bàn phường. Xây dựng mô hình ứng dụng thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng nấm ăn trên địa bàn phường Đa Phúc, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng hoàn toàn phù hợp với điều kiện địa phương.
Kết quả Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng nấm ăn trên địa bàn phường Đa Phúc, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng” sẽ mang lại hiệu quả trực tiếp cho người dân trên địa bàn, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Kết quả của dự án là mô hình để cho các hộ sản xuất nấm tại địa phương học tập, nhân rộng mô hình ngày một nhiều hơn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ./.
- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đốt các tổn thương ác tính ở gan bằng vi sóng tại Bệnh... (19/08/2024)
- Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris tại Hải Phòng (14/08/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thăm dò huyết động bằng phương pháp PiCCO trong điều... (07/08/2024)
- Xây dựng mô hình sản xuất giống invitro cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaetn.)... (05/08/2024)
- Xây dựng mô hình sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus) tại... (01/08/2024)