Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 30373 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Văn hóa - Xã hội Nông thôn
Xây dựng nông thôn mới ở xã Đại Thắng (Tiên Lãng): Gắn với phát triển mô hình kinh tế thu nhập cao (01/11/2016)
Sau 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo làng quê xã Đại Thắng đổi mới rõ rệt. Cùng với xây dựng các công trình hạ tầng NTM, chính quyền địa phương chú trọng khuyến khích bà con nông dân phát triển các mô hình kinh tế mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cao.
Chủ tịch UBND xã Đại Thắng - Lương Thanh Sắc cho biết: “Triển khai xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã xác định làm đến đâu chắc đến đó, tránh nợ xây dựng cơ bản. Quan trọng nhất là phải tập trung cao cho sản xuất. Chỉ khi sản xuất phát triển, địa phương và người dân có tích lũy, việc huy động kinh phí cho xây dựng NTM mới thuận lợi. Cùng với đó, trong phát triển sản xuất, nhất là chăn nuôi tại các hộ gia đình, xã đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường, hiện đang là hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp ở Đại Thắng”.
Trang trại nuôi gà quy mô hơn 10.000 con gà của gia đình ông Bùi Văn Phấn ở thôn Giang Khẩu là ví dụ sinh động cho cách làm trên. Quy mô trang trại chưa lớn, nhưng hằng năm phát triển tốt, tạo việc làm cho hàng chục lao động, mang lại lợi nhuận cho gia đình gần 200 triệu đồng/năm, được ghi nhận là mô hình kinh tế cho thu nhập cao của xã Đại Thắng. Theo ông Bùi Văn Phấn, với diện tích gần 1 ha được quy hoạch lại sau dồn điền đổi, gia đình ông đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm trang trại chăn nuôi gà gia công. Với việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, không để xảy ra dịch bệnh, được bao tiêu sản phẩm ổn định, trung bình 1 năm, trừ các khoản chi phí, doanh thu khoảng trên 500 triệu đồng, gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp trước đây.
Cùng với mô hình chăn nuôi trang trại của gia đình ông Phấn, trên địa bàn xã Đại Thắng hiện có gần 10 mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi gà ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với 440 ha đất sản xuất nông nghiệp, hiện Đại Thắng quy hoạch được vùng sản xuất tập trung. Ngoài cấy lúa truyền thống, nhiều mô hình trồng rau màu như dưa, nấm cũng được người dân đầu tư phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Để khuyến khích người dân phát triển kinh tế hộ, xã Đại Thắng tạo điều kiện các hộ muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng trọt sang chăn nuôi được đi học tập, tham quan những mô hình chăn nuôi hiệu quả tại các địa phương để áp dụng phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập người dân trên địa bàn.
Theo lãnh đạo xã Đại Thắng đến tháng 9-2016, xã hoàn thành được 14 tiêu chí trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nhưng phấn khởi nhất là địa phương ít nợ xây dựng cơ bản. Phát triển chăn nuôi tại các hộ gia đình được xác định là thế mạnh của địa phương, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm bảo đảm.
Từ hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn xã cho thấy, đây là hướng đi bền vững cho người nông dân, giảm áp lực về việc làm, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Đây cũng là cách nghĩ đúng đắn coi phát triển sản xuất rồi mới có tích lũy để xã tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng tới vùng sản xuất tập trung.
Nguồn: Báo Hải Phòng
- Phân loại rác thải từ nguồn: ý thức người dân là quan trọng nhất (08/12/2021)
- Người dân hạn chế di chuyển khi F0 tăng nhanh (08/12/2021)
- “Tín dụng đen online” và nỗi ám ảnh trò “khủng bố” đòi nợ (29/11/2021)
- Làng nghề bánh đa Kinh Giao - nét văn hóa đặc trưng của thành phố biển Hải Phòng (27/10/2021)
- Cần có thêm “ranh giới” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch (06/10/2021)
- Vui mừng nhưng không chủ quan (30/09/2021)