Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2935
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Xây dựng nông thôn mới thân thiện với môi trường (25/09/2013)

Hiện nay, người dân nông thôn vẫn chưa có thói quen gom rác lại để xử lý. Ngay cả khi không cần phân bón thì chất thải chăn nuôi lại được tống ra cống rãnh. Cùng với hệ thống nhà vệ sinh tự hoại, nước thải sinh hoạt cũng chảy theo ra cống rãnh gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ao hồ, lâu dần ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

                Nông dân tự quản về môi trường, dọn dẹp đường phố

 Rác thải sau khi thu gom chưa được xử lý đúng cách, mới chỉ dừng lại ở việc đốt rác, gây ô nhiễm không khí. Vẫn còn một lượng không nhỏ các loại vỏ lọ hóa chất thuốc bảo vệ thực vật bị vứt ngoài bãi rác, mà chưa có cách gì để xử lý triệt để.

 Tại các làng nghề ở nông thôn, nguồn nước thải chưa được xử lý vẫn xả ra môi trường, gây ô nhiễm không chỉ khu vực làng nghề mà còn ảnh hưởng nhiều đến các làng xung quanh. Rồi theo dòng chảy tự nhiên đem ô nhiễm đi rất xa, ảnh hưởng cả một vùng. Đó là chưa kể đến thói quen thả rông trâu bò, chó… và chất thải của các động vật này vẫn còn nhiều ở ngoài đường, trong các khu vực công cộng.…

Những hiện tượng trên vẫn có cách khắc phục. Nhưng chỉ một làng, xã làm thì chưa đủ mà rất cần mọi người cùng chung tay góp sức.

 Trước hết, mỗi người dân cần có ý thức tự giác bảo vệ môi trường chung của cộng đồng. 

Bên cạnh đó, có thể đưa việc này vào hương ước làng xã, vào tiêu chuẩn đánh giá Gia đình văn hóa. Có những nơi đã cho các gia đình ký cam kết không thả rông chó mèo, súc vật nuôi ra đường, không để rác bừa bãi hoặc ô nhiễm quanh khu vực gia đình cư trú. Ở xã Yên Sở (huyện Hoài Đức – thành phố Hà Nội) – một xã đã hoàn thành đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc cho từng hộ dân ký cam kết, còn đồng thời lập tổ giám sát môi trường của từng xóm đi kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên. 

Việc thu gom rác thải cũng cần được tiến hành thường xuyên. Ở các huyện ngoại thành Hà Nội đã có cách làm rất hay: Mỗi địa phương  cử một đội thu gom rác thải, một cụm dân cư chỉ cần khoảng 4 người là đủ. Thu nhập của họ là do các gia đình đóng góp theo nhân khẩu (mỗi tháng khoảng 3 - 4 nghìn đồng/1 khẩu). Đảm bảo việc thu gom rác hàng ngày không bị ứ đọng dẫn đến phân hủy, hôi thối. Rác thải sau khi được gom lại ở điểm tập kết sẽ có xe của Công ty Môi trường về thu gom vào một giờ nhất định hàng ngày.  

Đồng thời, cần khuyến khích người dân xây dựng hệ thống hầm khí biogas để tận dụng nguồn phân gia súc gia cầm, chất thải sinh hoạt hữu cơ… Vừa tránh được ô nhiễm môi trường lại vừa có chất đốt sạch, tiết kiệm cho nhà nông.

Với những vùng chuyên canh trồng rau màu, bà con nông dân cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, ngưng trước khi thu hái theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Vỏ lọ, bao gói thuốc cần được thu gom tập kết vào một nơi quy định. (Một số địa phương đã cho xây những chiếc bể giữa đồng rau để bà con tập kết vỏ lọ, bao gói thuốc vào đó. Đội Bảo vệ môi trường sẽ thu gom định kỳ và xử lý riêng).

 Vì môi trường, toàn dân cần có những hành động thiết thực. Ăn sạch, ở sạch trong gia đình chưa đủ, mà cần giữ môi trường sạch sẽ chung cho cộng đồng và xã hội.

Nguồn: dantri.com.vn