Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8575
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Xét nghiệm HIV bằng USB có ích cho các nước đang phát triển (17/11/2016)

Các nhà nghiên cứu tại Trường Hoàng gia London đã phối hợp với Công ty điện tử ADN để phát triển công nghệ mới dựa vào USB, có khả năng kiểm tra nồng độ HIV trong máu người. Chỉ cần một giọt máu, thiết bị một chip này sẽ phát hiện ra nồng độ HIV. Thiết bị có triển vọng hỗ trợ các nước đang phát triển điều trị HIV.

Các xét nghiệm về nồng độ HIV trong máu là rất quan trọng vì kết quả cho phép bệnh nhân biết thuốc điều trị HIV họ đang dùng có phù hợp không. Điều trị HIV có thể làm giảm nồng độ virus trong máu gần như bằng không, nhưng nếu virus phát triển khả năng kháng thuốc, nồng độ này sẽ tăng lên.

 

Các xét nghiệm nồng độ HIV hiện nay phải mất ít nhất 3 ngày và đòi hỏi phải gửi mẫu máu đến phòng thí nghiệm, là việc rất khó khăn đối với một số nơi trên thế giới. Nhưng, thiết bị mới có thể di động và thực hiện xét nghiệm chưa đến 30 phút.

TS. Graham Cooke, đồng tác giả nghiên cứu tại Trường Hoàng gia London cho rằng: "Việc theo dõi tải lượng virus quyết định thành công của tiến trình điều trị HIV. Hiện nay, xét nghiệm HIV thường tốn kém, cần có thiết bị phức tạp và mất vài ngày mới cho kết quả. Chúng tôi đã thực hiện xét nghiệm này bằng thiết bị mới có kích thước bằng một máy photocopy lớn và thu nhỏ nó xuống thành một chip USB".

Xét nghiệm nồng độ HIV cũng là cách để các bác sỹ kiểm tra xem bệnh nhân có uống thuốc điều trị HIV đều đặn không vì việc dừng uống thuốc góp phần vào sự phát triển khả năng kháng thuốc của virus.

Để sử dụng thiết bị, chỉ cần đặt mẫu máu của bệnh nhân HIV vào một vị trí trên chip. Nếu có sự hiện diện của HIV, nồng độ axit sẽ thay đổi. Sự thay đổi đó được chuyển thành tín hiệu điện gửi tới USB.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra khoảng 990 mẫu máu. Kết quả xét nghiệm nồng độ HIV đã đạt mức độ chính xác lên đến 95%. Thời gian trung bình thực hiện một xét nghiệm là khoảng 20 phút. Tuy nhiên, thiết bị sẽ cần được phát triển hơn nữa trước khi các bác sỹ có thể sử dụng cho bệnh nhân.

 

Nguồn: www.vista.gov.vn