Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 13552
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Xét nghiệm máu để dự đoán khả năng nhiễm bệnh cúm (27/06/2018)

Trước nguy cơ bùng phát đại dịch cúm, liệu có cách nào giúp đoán biết xem bạn có nguy cơ mắc bệnh hay sẽ bình an vô sự? Câu trả lời, nằm chính ở trong máu của chúng ta.

Ảnh minh họa. Nguồn Shutterstock.

Theo một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Genome Medicine hôm 14/06, các nhà khoa học đã phát hiện thấy mật độ tế bào bạch huyết – có trong hệ miễn dịch – ở những người bị cúm sẽ thấp hơn đáng kể so với người bình thường KLRD1 là loại gene duy nhất quyết định vùng thụ thể trên bề mặt của các tế bào bạch huyết. Mức độ biểu hiện của KLRD1 trong máu trước khi phơi nhiễm với cúm có thể giúp dự đoán ai có nguy cơ mắc virus, với tỷ lệ chính xác lên tới 86%.

“Trong hiểu biết của chúng tôi, KLRD1 chính là dấu hiệu sinh học đầu tiên thể hiện độ mẫn cảm của cơ thể với nhiều chủng cúm”, Purvesh Khatri – giáo sư Y khoa và dữ liệu Y sinh tại trường Đại học Y khoa Stanford – cho biết. Phát hiện này cũng chỉ ra các tế bào bạch huyết mang gene KLRD1 có thể giúp bảo vệ con người khỏi bệnh cúm, mặc dù đây có thể chỉ là một khía cạnh liên quan đến mức độ mẫn cảm với bệnh mà thôi.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích mẫu máu từ 52 tình nguyện viên – trước đây từng tham gia vào các cuộc thử nghiệm “nghiên cứu thử thách cúm” (flu challenge studies) khi cho những tình nguyện viên khỏe mạnh tiếp xúc với virus cúm (chủng H1N1 hoặc H3N2) để theo dõi xem liệu họ có mắc bệnh hay không. Mẫu máu được lấy trước khi những người này phơi nhiễm với virus cúm. Để tính toán tỷ lệ của các loại tế bào miễn dịch khác nhau có trong máu của họ – trước khi chúng tiếp xúc với virus, các nhà khoa học đã sử dụng một thuật toán mới, cho kết ra quả tính toán là “tế bào bạch huyết” thường tồn tại với mật độ tương đối thấp ở những người mắc cúm. Nếu các “tế bào bạch huyết” này chiếm tới hơn 10% tổng số tế bào miễn dịch của cơ thể, thì họ sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh. Ngược lại, nếu tỷ lệ này thấp hơn 10% thì khả năng bị lây nhiễm virus là rất cao – các nhà khoa học cho biết.

Nhóm nghiên cứu tin rằng phát hiện của họ sẽ giúp ích nhiều cho các bác sĩ trong việc xác định xem ai là người có nguy cơ lây nhiễm cúm cao; và ai sẽ được hưởng lợi nhất từ các loại thuốc điều trị cúm, như Tamiflu. “Chẳng hạn, nếu đại dịch bùng phát và nguồn cung Tamiflu bị giới hạn, thông tin trên có thể giúp xác định xem ai là người nên được ưu tiên điều trị dự phòng trước,” Khatri nói. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng góp phần giúp thúc đẩy việc phát triển các thế hệ vắc-xin mới, phòng bệnh cúm tốt hơn.

“Chúng ta cần hiểu rõ vai trò và cơ chế bảo vệ của các tế bào bạch huyết, để từ đó có thể tận dụng chúng vào nhiệm vụ chế tạo ra các loại vắc-xin cúm mới tốt hơn”, Khatri chia sẻ và ông tin rằng phát hiện trên, thậm chí còn có thể mở ra một hướng đi mới.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng không quên lưu ý, rằng phát hiện của họ hiện mới chỉ ở mức sơ bộ và cần có thêm nhiều nghiên cứu để kiểm chứng, đánh giá và khẳng định tính đúng đắn của kết quả.

Nguồn: Phạm Nhật/www.khoahocphattrien.vn

Cập nhật: 25/6/2018