Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 17837 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Văn hóa - Xã hội Nông thôn
Ý nghĩa thật sự của lễ Vu Lan Báo Hiếu (24/08/2017)
Không biết tự bao giờ, một truyền thuyết của nhà Phật đã "hóa thân" trở thành một mỹ tục trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, để rồi mỗi năm chúng ta lại có một ngày Vu lan - ngày báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Tới hôm nay, dù cuộc sống đã phát triển thì mọi người vẫn cần làm cho mỗi ngày đang sống là một ngày Vu lan...
Hàng năm đến mùa Vu lan, trong đó nhằm đúng ngày rằm tháng bảy, mọi người lại cùng nhau bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đối với ơn cha mẹ, ơn ông bà, tổ tiên. Ðó là báo hiếu đối với công ơn của người sinh thành - đạo hạnh đứng đầu trong "tứ ân" của nhà Phật, như kinh Phật viết: "Ân đức cha mẹ vô cùng, kể không bao giờ hết", "tột cùng điều thiện, không gì bằng hiếu. Tột cùng điều ác, không gì bằng bất hiếu"... Bao đời nay, Vu lan trở thành một ứng xử nhân văn trong xã hội, góp phần duy trì và củng cố đạo lý trong gia đình, trong dòng tộc mọi người đề cao chữ hiếu để nhắc nhở đạo làm con. Hơn thế nữa, chữ hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người.
Là người Việt Nam, hẳn là ai cũng biết đôi câu lục bát: "Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Công sinh dưỡng của cha mẹ là vô tận. Mỗi người sinh ra và trưởng thành, đối với cha mẹ bao giờ cũng là niềm tự hào đồng thời là kết quả của những nỗ lực vượt qua bao nhiêu khó khăn vật chất - tinh thần. Công cha - nghĩa mẹ thấm sâu vào mỗi con người, mỗi gia đình, dòng họ, thấm sâu vào nền nếp sinh hoạt của cộng đồng, nên phải ứng xử sao cho xứng đáng.
Là một trong các nguyên tắc của đạo lý sống, trong truyền thống dân tộc, đạo hiếu là thiết thực đối với từng người con, đâu phải chỉ lúc cha mẹ lâm chung, mà chính là những năm tháng cha mẹ còn cũng như lúc yếu đau cần luôn được phụng dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần.
Trên một ý nghĩa rộng hơn, Vu lan không những dành cho chữ hiếu, mà còn là ngày "xá tội vong nhân", như chúng ta vẫn nói đến câu: "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân". Xưa kia cha ông quan niệm rằng, sống ở trong cuộc đời không phải ai ai mất đi cũng có người thân cúng giỗ.
Có người mất đi vì không may gặp phải chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh. Lại có người không hướng theo điều thiện mà làm điều ác, khi qua đời họ trở thành "cô hồn" phải chịu nhục hình nơi "cõi quỷ", mỗi năm chỉ một lần được "xá tội" về với dương gian nhận phần áo quần, đồ ăn do người thân cúng tế. Với các "vong nhân" không người thân cúng giỗ, với cả những người từng làm điều ác thì vào ngày "xá tội", người đang sống phải giúp đỡ bằng việc cúng vàng mã, cháo loãng, bỏng ngô...
Với người Việt Nam, Vu lan còn là ngày cảm thương đồng loại, vì thế ý nghĩa đã được mở rộng, để mọi người đều được hướng tới điều tốt lành. "Trẻ cậy cha, già cậy con", báo hiếu là chuyện hằng ngày, ở tấm lòng, ở việc làm cụ thể. Vì thế, nếu thật lòng hiếu đễ, mỗi ngày sẽ phải là một ngày Vu lan.
Nguồn: Báo Gia đình
- Phân loại rác thải từ nguồn: ý thức người dân là quan trọng nhất (08/12/2021)
- Người dân hạn chế di chuyển khi F0 tăng nhanh (08/12/2021)
- “Tín dụng đen online” và nỗi ám ảnh trò “khủng bố” đòi nợ (29/11/2021)
- Làng nghề bánh đa Kinh Giao - nét văn hóa đặc trưng của thành phố biển Hải Phòng (27/10/2021)
- Cần có thêm “ranh giới” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch (06/10/2021)
- Vui mừng nhưng không chủ quan (30/09/2021)