Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 19202
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Bảo vệ lúa, rau màu trong mùa mưa bão (23/10/2020)

Thời gian qua, mưa lũ kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn tới quá trình sản xuất nông nghiệp, thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân. Để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu trong mùa mưa bão, bà con cần lưu ý:

1. Đối với sản xuất lúa:

- Diện tích lúa đã chín cần khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tránh thiệt hại tới năng suất, chất lượng lúa do mưa lớn gây ra.

- Đối với những diện tích lúa đang giai đoạn chắc xanh nhưng bị đổ ngã do mưa gió, dựng lúa lên, cột thành chùm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, tháo cạn nước mặt ruộng, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch lúa, đồng thời chuẩn bị ruộng gieo trồng cây vụ Đông, lưu ý phòng trừ bệnh khô vằn gây hại.

2. Đối với sản xuất rau màu:

- Khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch; tăng cường thực hiện khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng, gieo trồng lại nếu bị thiệt hại do mưa lớn gây ra; chỉ tiến hành gieo trồng, gieo trồng lại khi thời tiết hết mưa, tạnh ráo.

- Đối với diện tích rau màu bị ảnh hưởng do mưa lũ:

+ Với diện tích các loại: ngô, đỗ, lạc, khoai… sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...

+ Với diện tích rau đậu các loại đã trồng như: bí, ớt, dưa chuột, hành tỏi, cà chua… sau khi nước rút 2-3 ngày cần hướng dẫn nông dân chăm sóc để phục hồi bộ rễ và hạn chế thấp nhất các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ… bằng các biện pháp sau:

Vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ cây bị héo, bị gãy; dựng cây nhẹ nhàng để hạn chế đứt rễ, nếu có điều kiện thì cho thêm đất bột vào gốc để cây ra rễ mới; riêng các loại bí, để nguyên hiện trạng, hạn chế tác động vào gốc rễ của cây.

Do bộ rễ cây còn yếu nên cần cung cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như: các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng… theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

Tưới gốc hoặc phun một số chế phẩm để phòng bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh đã có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Tiến hành vun xới khi cây đã phục hồi và đất đã khô ráo; kết hợp tưới phân loãng (khoảng 300 g supe lân + 300 g Ure/10 lít nước) có thể pha thêm các chế phẩm sinh học tưới vào gốc để cây nhanh phục hồi và khích thích ra rễ; nồng độ phân tăng dần theo sự phục hồi của cây./.

Nguồn: Nongnghiep.vn