Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 54253 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Bà con cần biết
Biện pháp khắc phục một số hiện tượng bất thường trong sản xuất lúa mùa 2019 (10/07/2019)
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2019, mùa bão sẽ đến muộn hơn, trong khi nắng nóng sẽ xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, để chủ động khắc phục một số hiện tượng bất thường trong sản xuất vụ mùa năm 2019 cần lưu ý:
1. Nắng nóng làm ảnh hưởng đến mạ và lúa mới cấy
Thời vụ gieo cấy lúa mùa diễn ra rất tập trung (tháng 6 và tháng 7 DL) đây là 2 tháng được dự báo là nắng nóng nhất trong năm, dễ làm cho mạ bị héo và chết, lúa mới cấy chậm bén rễ, hồi xanh và có thể chết vì vậy cần lưu ý:
+ Đối với mạ non trên nền đất cứng, mạ khay:
Cần bám sát lịch thời vụ gieo cấy của địa phương, không nên gieo sớm (vụ mùa gieo 7-10 ngày có thể cấy được).
Chọn nơi râm mát, thời gian chiếu nắng trong ngày ngắn để làm nền gieo mạ và đặt khay. Nên chọn nền đất làm nền gieo và nơi đặt khay mạ, hạn chế làm nền gieo trên sân gạch, sân xi măng.
Nên làm bùn dầy hơn vụ xuân, giúp bảo vệ bộ rễ mạ. Bổ sung lân supe vào bùn gieo, giúp bộ rễ khỏe, tăng sức chống chịu cho cây.
Tăng số lần tưới trong ngày để giảm nhiệt độ nền gieo và cung cấp nước cho cây.
Sử dụng lưới đen để che nắng cho mạ.
+ Đối với mạ dược:
Cần bám sát lịch thời vụ gieo cấy của địa phương, không nên gieo sớm (vụ mùa gieo 15 -18 ngày là cấy được).
Bổ xung lân supe và trấu vào nền gieo giúp bộ rễ khỏe, tăng sức chống chịu cho cây và khi nhổ bộ rễ ít bị tổn thương giúp cây bén rễ hồi xanh nhanh.
Thường xuyên duy trì độ ẩm trên mặt luống bằng cách giữ nước ở rãnh luống mạ.
+ Đối với lúa sau gieo cấy:
Tranh thủ thời tiết râm mát tiến hành gieo cấy để đảm bảo thời vụ và diện tích.
Cần duy trì mực nước nông, đều khắp mặt ruộng giúp cây bén rễ, hồi xanh nhanh.
2. Mưa lớn gây ngập úng, bão, dông lốc gây đổ lúa
Trong vụ mùa, thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa bão gây ngập úng làm chết lúa mới cấy, ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển và sức chống chịu của cây đặc biệt giai đoạn làm đòng có thể gây thối đòng; giông lốc làm lúa bị đổ ngã, dập gẫy thân lá ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển vật chất tạo điều kiện cho rầy, bệnh bạc lá phát sinh gây hại. Vì vậy, để chủ động phòng chống ngập úng và hạn chế lúa bị đổ ngã cần:
- Nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy trên toàn bộ hệ thống sông. Khẩn trương rút nước sau mưa lớn, không để ngập quá lâu, làm giảm khả năng chống chịu của cây. Sử dụng phân bón tổng hợp NPK có hàm hượng kali cao; Thực hiện bón tập trung, nặng đầu nhẹ cuối giúp cây đẻ nhánh khỏe, cứng cây, dầy lá tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận và sâu bệnh hại.
- Đối với những diện tích bị ngập úng cục bộ, diện tích lúa mới cấy cần: Rút nước từ từ tránh làm trôi dạt, dập gãy cây. Trong quá trình rút nước kết hợp té rửa lá giúp cây quang hợp tốt hơn. Phun một số chế phẩm hỗ trợ phục hồi bộ rễ như K-H, Pennac P,... Tuyệt đối không bón đạm đơn.
3. Ngộ độc hữu cơ và phèn mặn
Việc xử lý rơm rạ trả lại cho đất phần hữu cơ giúp đất tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ nước và giữ phân. Tuy nhiên vụ mùa diễn ra rất khẩn trương trong khi khối lượng rơm rạ của vụ xuân để lại nhiều, nếu không xử lý tốt nó sẽ gây ngộ độc hữu cơ (ngộ độc đạm) cho lúa mới cấy và tạo điều kiện cho bệnh bạc lá phát sinh gây hại.
Để hạn chế hiện này cần lưu ý:
- Nên giữ nước khi thu hoạch lúa xuân. Thu hoạch đến đâu, tiến hành làm đất ngay đến đó để rơm rạ được phân hủy sớm. Sử dụng một số chế phẩm xử lý rơm rạ khi tiến hành làm đất giúp rút ngắn thời gian phân hủy rơm rạ. Ở một số địa phương, sử dụng rơm rạ để che phủ cho cây vụ đông bà con có thể thu gom lại, đánh đống và xử lý.
Đốt rơm rạ gây ra rất nhiều hệ lụy như: cản trở tầm nhìn gây tai nạn giao thông, khói bụi gây ô nhiễm môi trường, làm chết vi sinh vật trong đất, đất trở nên chai cứng, giảm khả năng giữ nước, giữ phân. Vì vậy, các địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp và ý thức, trách nhiệm của nông dân đối với cộng đồng.
Nắng nóng có thể làm bốc phèn mặn gây ngộ độc cho cây lúa đối với những diện tích chua phèn, vùng ven biển cần tranh thủ các đợt lấy nước tiến hành thau chua rửa mặn, bón từ 20 - 25 kg vôi bột cho một sào để tăng độ pH và luôn giữ nước trên ruộng để ém phèn mặn.
Khi cây lúa có biểu hiện ngộ độc như: còi cọc kém phát triển, rễ vàng hoặc đen có mùi hôi tanh, dễ đứt gẫy và có thể chết cần: Bón 10-15 kg vôi bột cho một sào kết hợp sục bùn và thay nước. Bón 7-10 kg lân super cho một sào kết hợp phun một số chế phẩm hỗ trợ phục hồi bộ rễ như K-H, Pennac P,... Tuyệt đối không bón đạm đơn.
Nguồn: Khuyến nông Thái Bình
- Phòng trừ sâu tơ hại súp lơ, bắp cải (08/12/2021)
- Một số lưu ý chống rét cho gia súc, gia cầm (08/12/2021)
- Một số lưu ý phòng chống rét cho cá (29/11/2021)
- Một số lưu ý khi nuôi gà thịt phục vụ Tết Nguyên Đán (27/10/2021)
- Lưu ý với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước tình hình mới (06/10/2021)
- Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi lồng bè trên sông, hồ mùa mưa lũ (24/09/2021)