Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 34993 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Bà con cần biết
Các ngư cụ và phương pháp cấm sử dụng trong đánh bắt thủy sản (27/04/2015)
Một số hoạt động của loài người đang gây hại cho các hệ sinh thái biển như khai thác quá mức các nguồn lợi hải sản, sử dụng các ngư cụ có hại, tàn phá rạn san hô, phá rừng, sử dụng chất độc, chất nổ, các hoạt động nuôi trồng… Sau đây là một số ngư cụ và phương pháp cấm sử dụng trong đánh bắt thủy sản:
1. Sử dụng chất nổ
Do tác hại của việc sử dụng chất nổ trong khai thác hải sản nên các quốc gia, các tổ chức nghề cá đều đã có các luật, quy định cấm hình thức đánh bắt này. Tuy nhiên, do ham mối lợi trước mắt và sự quản lý thiếu nghiêm khắc nên ở nước ta, mặc dù đã có nhưng quy định pháp luật ngăn cấm nhưng hoạt động đánh cá bằng chất nổ vẫn còn diễn ra phổ biến ở nhiều tỉnh ven biển. Khi dùng chất nổ đánh cá, tất cả cá lớn, cá bé, trứng cá, sinh vật phù du, rạn san hô, sinh vật đáy đều bị chết hoặc phá hủy. Trong khi đó người đánh cá chỉ bắt đựơc một phần nhỏ của số cá bị chết. Tác hại của việc dùng chất nổ để khai thác hải sản là rất lớn đối với môi trường sinh thái.
2. Sử dụng xung điện
Hiện tượng sử dụng xung điện để đánh bắt tôm, cá đang diễn ra khá phức tạp ở nhiều địa phương. Phương pháp kích điện cũng được sử dụng rộng rãi để khai thác các loài thủy sản khác trong các ao, hồ, đầm, phá…Khi dùng kích điện tạo dòng điện mạnh sẽ làm chết hoặc tê liệt các loài thủy sản. Ngoài ra, vùng nước có dòng điện làm việc cũng bị giảm chất lượng do hàng loạt các phản ứng điện hóa, sự chết hoặc thoái hóa của các sinh vật phù du, sinh vật đáy, thảm thực vật…làm thức ăn và là nơi trú ẩn của nhiều loài thủy sinh vật.
3. Đánh bắt trứng và cá non
Người ta thường lặn xuống nước, nơi đẻ trứng các đàn cá hoặc có các ấu trùng cá non sinh sống bắt, lượm cá non, trứng cá phục vụ cho các cơ sở nuôi trồng. Đối tượng khai thác là tôm hùm non, cá song, mực lá…Các hoạt động này làm suy thoái nguồn lợi, mất cân bằng sinh thái.
4. Đánh bắt nhiều sản phẩm phụ
Nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm, ngư dân có xu hướng sử dụng các ngư cụ không có tính chọn lọc để đánh bắt tất cả các loại. Sản phẩm khai thác được bao gồm các loài cá có và không có giá trị thương phẩm. Họ vứt bỏ sản phẩm đã chết, không có giá trị xuống biển làm hư hỏng môi trường, mất cân bằng sinh thái.
5. Đánh bắt tập trung và quá mức cho phép
Ngư dân tập trung khai thác đối tượng có giá trị kinh tế cao cho đến lúc cạn kiệt dẫn đến hiện tượng mất cân bằng sinh thái. Có nhiều loài ở biển nước ta trong tình trạng này như cá sủ, cá giống, cá chình…Điều này khiến lượng đàn cá ngày càng giảm, mất cân bằng sinh thái…
6. Lưới kéo tầng đáy
Trong quá trình đánh bắt, giềng chì của lưới kéo chuyển động chà xát với đáy biển làm hư hỏng môi trường sống của các sinh vật tầng đáy và gần đáy. Ngoài ra, lưới kéo đáy còn đánh bắt nhiều loài cá non, cá tạp không có giá trị kinh tế ngoài mong muốn của con người.
Ngoài ra, còn nhiều ngư cụ và phương pháp khai thác mang tính hủy diệt, có ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái các vùng biển như lưới vây, lưới đáy, lưới rê làm chết các loài thú biển, nghề câu làm chết nhiều loài chim biển, các nghề săn bắt cá voi, hải cẩu…. Bên cạnh các ngư cụ và phương pháp có hại trực tiếp đến các hệ sinh thái biển, các hoạt động nuôi trồng, giao thông vận tải, du lịch…cũng có các ảnh hưởng gián tiếp đến môi trường, sự cân bằng sinh thái và sự phong phú của nguồn lợi hải sản.
Nguồn: P.V tổng hợp
- Phòng trừ sâu tơ hại súp lơ, bắp cải (08/12/2021)
- Một số lưu ý chống rét cho gia súc, gia cầm (08/12/2021)
- Một số lưu ý phòng chống rét cho cá (29/11/2021)
- Một số lưu ý khi nuôi gà thịt phục vụ Tết Nguyên Đán (27/10/2021)
- Lưu ý với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước tình hình mới (06/10/2021)
- Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi lồng bè trên sông, hồ mùa mưa lũ (24/09/2021)