Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 57209
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Cần ngăn chặn việc khai thác thủy sản bằng xung điện (05/06/2013)

Hiện nay, nguồn lợi thủy sản ngày một mất dần về số lượng và thành phần loài do có rất nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến sự giảm sút về sản lượng thuỷ sản là việc sử dụng xung điện để khai thác thuỷ sản tại các sông, hồ, đồng ruộng,…

 * Tác hại của việc dùng xung điện để khai thác thuỷ sản:

- Làm chết hầu hết các loài thuỷ sản, thuỷ sinh trong vùng nước;

- Huỷ hoại nơi sinh sống, kiếm mồi, sinh sản của các loài thuỷ sản;

- Có thể gây hậu quả chết người…

Đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện là một cách khai thác “tận diệt”, có tác hại lâu dài, góp phần nhanh chóng đẩy các vùng nước thành “vùng nước chết”. Hệ quả của việc đánh bắt đó phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thuỷ sinh.

Vì vậy, việc ngăn chặn sử dụng xung điện để khai thác thuỷ sản là vấn đề cần thiết, cấp bách và đã được quy định cụ thể trong Chỉ thị: 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đó là: Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước.

Bất luận vì mục đích gì nhưng tình trạng đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện cần phải được ngăn chặn nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường sống. Để khắc phục tình trạng sử dụng xung điện trong việc khai thác thuỷ sản chúng ta cần:

- Không sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thuỷ sản.

- Vận động mọi người không đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện, chất nổ, chất độc. Tăng cường việc thả cá giống bổ sung vào các sông, hồ,...

- Không buôn bán, tàng trữ chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản.

* Một số hình thức xử lý vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Nghị định số 31/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản như sau:

 1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

- Vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên, trừ trường hợp bất khả kháng;

- Sử dụng kích điện mang theo người để khai thác thủy sản tại các vùng nước tự nhiên.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

- Sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản;

- Thả các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại vào vùng nước tự nhiên;

- Nuôi trồng các loài thuỷ sản không có tên trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh.

P.V tổng hợp