Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 17276
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Chăm sóc cá nước ngọt mùa mưa bão (03/09/2020)

            Mưa bão sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ và chăm sóc thủy sản. Vì vậy, để quản lý các biến động từ môi trường một cách có hiệu quả, bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp sau:

1. Trước mùa mưa bão

- Chuẩn bị một số thiết bị cần thiết như: vôi, đăng chắn, cọc tre, lưới vây xung quanh, máy bơm, máy phát điện và nhiên liệu (nếu có)…

- Kiểm tra và gia cố lại bờ bao, khơi thông dòng chảy xung quanh ao để thoát nước dễ dàng.

- Kiểm tra kho chứa thức ăn, tránh bị mưa ướt làm thức ăn bị ẩm mốc, giảm chất lượng.

- Kiểm tra tình trạng cá nuôi, nếu đạt kích cỡ thương phẩm, có thể tiến hành thu hoạch sớm để tránh thiệt hại xảy ra.

- Đảm bảo mực nước trong ao từ 1,5m trở lên để khi mưa lớn xảy ra, môi trường ao nuôi không bị thay đổi đột ngột.

- Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi trước mùa mưa bão bằng cách cho cá ăn các loại thức ăn giàu đạm và bổ sung Vitamin C vào khẩu phần ăn hàng ngày. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột.

2. Trong mùa mưa bão

- Thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, kiểm tra lưới, hệ thống cống, bờ và đắp lại những nơi xung yếu, tránh tình trạng vỡ bờ. Kịp thời khắc phục khi có sự cố xảy ra, tránh tình trạng thất thoát cá.

- Khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày, độ pH giảm, xảy ra tình trạng thiếu ôxy tầng đáy, bà con cần xả tràn, sử dụng quạt nước, sục khí hoặc máy bơm, bơm đảo nước trong ao, chủ động tháo nước tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa có trong ao.

- Rắc vôi xung quanh bờ ao với lượng 10 kg/100 m2, kết hợp hòa nước vôi tạt đều khắp mặt ao với lượng 1 - 2 kg/100 m3 nước để ổn định pH ao nuôi trước và sau khi mưa.

- Thường xuyên tiến hành kiểm tra chặt chẽ các chỉ số môi trường nước trong ao nuôi như ôxy hòa tan, độ pH, độ kiềm… để có biện pháp điều chỉnh kịp thời giúp ổn định môi trường; tlợn dõi hoạt động của cá nuôi, nếu có biểu hiện bất thường, có biện pháp xử lý kịp thời.

3. Chăm sóc và phòng bệnh sau mưa bão

- Theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh; diễn biến thời tiết, khi có sự thay đổi thời tiết đột ngột cần giảm lượng thức ăn hàng ngày của cá (lượng thức ăn giảm từ 30 - 50% so lượng cho ăn hàng ngày).

- Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách định kỳ 2 lần/tuần bổ sung Vitamin C trộn vào thức ăn cho cá với lượng 2 - 5 g/100 kg cá nuôi. Kết hợp phòng bệnh cho cá bằng cách định kỳ 1 lần/tuần trộn tỏi tươi xay nhuyễn liều lượng 50 g/100 kg cá hoặc tiên đắc 20 g/100 kg cá.

Lưu ý:

Khi sử dụng các loại thuốc phòng và chữa bệnh nên cho cá nhịn ăn trước 1 ngày, số lượng thức ăn giảm đi 30%. Làm như vậy là để cá đói ăn được nhiều thuốc. Không thay nước ao, cần giữ nước ao không cho lưu thông với bên ngoài. Không kéo lưới dồn cá, không đánh bắt thu tỉa tránh làm xây xát./.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam