Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 25442
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Chăm sóc lúa xuân sau Tết (27/04/2015)

 

Với thời tiết ấm áp của vụ xuân năm nay, sau Tết là thời điểm bón thúc đợt 1 cho lúa gieo thẳng và lúa cấy.

Bà con nông dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp kỹ thuật sau:

- Đối với lúa gieo thẳng: Sau gieo khoảng 10-15 ngày là thời điểm cây mạ ra lá. Mặc dù ở giai đoạn 3 lá đầu, cây lúa non có thể sinh trưởng được nhờ lấy dưỡng chất từ chất dự trữ trong hạt gạo, song nếu chỉ riêng như vậy thì chưa đủ để tạo nên cây mạ khỏe. Vì vậy, cần bón đủ dinh dưỡng ngay từ ban đầu không chỉ tạo ra các lá to hơn mà còn hình thành được nhiều rễ hơn, giúp cho mạ có thể hút được đủ dinh dưỡng để tạo ra lá mới và nhánh mới.

 

Ngoài việc bón lót cân đối và đầy đủ cho lúa gieo thẳng, trong giai đoạn này cần lưu ý: Đảm bảo dinh dưỡng, tưới nước cho lúa khi có 2 lá thật, lượng nước vừa đủ ngập chân cây lúa (1cm). Duy trì mực nước này để lúa phát triển thuận lợi và dinh dưỡng phân giải tốt hơn.

Khi lúa được 3-3,5 lá thật, cần bón thúc đẻ với lượng phân bón là 30% tổng lượng đạm và kali cả vụ; đồng thời, tỉa dặm để đảm bảo có 250-300 cây/m2.

* Chú ý:

Thời kỳ đầu vụ, thời tiết thường âm u, nồm ẩm và ít nắng, nên lúa gieo thẳng thường hay mềm yếu thân lá và có hiện tượng “bạch tạng”, lá non không tổng hợp được diệp lục nên bị biến trắng.

+ Để đảm bảo cho cây lúa non được khỏe mạnh, phát triển thuận lợi, bà con cần sử dụng một số chế phẩm phân qua lá dễ tiêu như kali trắng + siêu vi lượng hoặc siêu lân, phun 1-2 lần, cách nhau 4-5 ngày.

+ Một số diện tích nếu có hiện tượng vàng lá, nghẹt rễ do ngộ độc hữu cơ (cây lúa non chết dần khi rễ thâm đen và thối hỏng) cần xử lý kịp thời  bằng các biện pháp như tháo kiệt nước trong ruộng và thay nước mới, phun phân bón lá tổng hợp giàu lân dễ tiêu từ 2-3 lần, cách nhau 3-4 ngày.

+ Nếu có hiện tượng mạ bị lũng thân lá phần sát gốc do nấm khô vằn gây hại thì cần trừ bệnh bằng phun thuốc validacin để giảm thiểu lượng mạ non bị chết.

+ Chỉ nên bón thúc phân bón cho lúa trong những ngày ấm (>170C). Trước khi bón phân đợt 1 khoảng 4-5 ngày, cần để lộ ruộng cho giun  đùn lên. Làm như vậy rễ lúa non sẽ phát triển rộng dài hơn, phân bón cũng thẩm thấu và phân giải tốt hơn.

- Đối với lúa cấy mạ dược và mạ nền cứng: Thời điểm sau Tết, lúa cấy mạ dược và mạ nền sẽ ở giai đoạn bén rễ hồi xanh đến đẻ nhánh. Đây cũng là thời điểm nông dân cần chăm sóc lúa một cách chu đáo để thu được số nhánh hữu hiệu.

Tốt nhất, cũng nên để lộ ruộng khoảng 5-6 ngày trong thời tiết nồm ẩm không giá rét để có mùn giun đùn lên, rồi tiến hành tưới nước bón phân cho lúa đẻ nhánh (30% tổng lượng đạm và kali cả vụ). Sau khi bón phân cần duy trì mức nước khoảng 2-2,5 cm để lúa đẻ nhánh thuận lợi.

* Chú ý:

Thời kỳ này, nếu thời tiết âm u, nồm ẩm, lúa xuân sẽ rất dễ bị nấm đạo ôn phát sinh gây hại (nhất là các giống mẫn cảm như nếp các loại, Q5, BC15…).

Vì vậy, bên cạnh việc chăm sóc lúa, người trồng cần chú ý phòng bệnh cho lúa xuân thông qua nhiều khâu: Bón phân cân đối giữa đạm và kali, phun thuốc phòng bệnh cho những ruộng lúa dễ nhiễm bệnh, dừng việc bón đạm và kali khi lúa đã chớm bị bệnh và phun trừ bằng thuốc đặc trị…

Giai đoạn ra lá đẻ nhánh đối với lúa gieo thẳng và lúa cấy thường hay bị bọ trĩ, ruồi vàng gây hại. Song nông dân không nên sử dụng thuốc trừ sâu để phun cho lúa, sẽ làm giảm đáng kể lượng côn trùng có ích trên đồng ruộng. Vì thời kỳ này, lúa ra lá và đẻ nhánh với tốc độ nhanh (2-2,5 ngày ra một lá mới) nên lúa có khả năng đền bù được thiệt hại do sâu gây ra mà không cần dùng đến thuốc để diệt trừ.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam