Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 17988 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Bà con cần biết
Chủ động phòng bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa 2017 (06/09/2017)
Bệnh lùn sọc đen do vi-rút gây nên, môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Bệnh biểu hiện rõ nhất trong giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ bông và có khả năng gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất.
1. Nguyên nhân:
- Bệnh lùn sọc đen là bệnh nguy hiểm, tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa là vi-rút lùn sọc đen phương Nam. Môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng, bao gồm cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh. Rầy sau khi nhiễm vi-rút có thể truyền bệnh đến khi chết. Bệnh lan truyền từ cây lúa bị bệnh sang cây khoẻ, từ vùng bị bệnh sang vùng chưa có bệnh nhờ sự di chuyển, phát tán của rầy lưng trắng.
- Bệnh có thể tồn tại trên lúa chét của cây bệnh trước đó, trên ngô, trên cỏ dại như cỏ lồng vực, cỏ chét và là nguồn chứa vi-rút để rầy truyền sang hại lúa.
2. Triệu chứng:
- Triệu chứng bệnh lùn sọc đen là ở giai đoạn cây non lúa bị bệnh cứng và thấp lùn, lá ngắn, xanh đậm; rễ cứng và ngắn; lá lúa có thể xoắn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, một số lá bị rách hình chữ V, gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Trên bẹ và thân xuất hiện nhiều u sáp, mới đầu màu trắng sau chuyển sang sọc đen.
- Cây lúa bị bệnh nặng không trỗ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen. Hiện nay, bệnh lùn sọc đen chưa có thuốc đặc trị. Muốn hạn chế tác hại của bệnh phải thực hiện tốt việc phòng bệnh.
3. Để chủ động phòng trừ bệnh, bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, trừ:
- Vệ sinh đồng ruộng bằng cách diệt lúa chét, lúa tái sinh, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt tàn dư thực vật mang nguồn bệnh.
- Sử dụng giống kháng hoặc ít nhiễm rầy, cấy mật độ hợp lý, cấy nhỏ dảnh, bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa đạm, áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) tăng khả năng chống chịu của cây lúa.
- Cần thực hiện tốt biện pháp trừ bệnh ngay khi lúa xuất hiện bệnh. Ở giai đoạn từ khi gieo cấy - đứng cái, cần nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh, cấy dặm cây lúa khỏe.
- Phun trừ rầy bằng các thuốc nội hấp trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh trước khi nhổ vùi, tránh phát tán nguồn bệnh, sau khi thu hoạch lúa ở ruộng bị bệnh, tiến hành cày vùi để diệt nguồn bệnh.
- Thường xuyên quan sát kỹ ruộng bị bệnh lùn sọc đen để phát hiện rầy lưng trắng khi có mật độ 20 con/khóm trở lên bằng các loại thuốc: Sectox 100WP, Midan 10WP, Vicondor 50EC, Actador 100 WP, Actara 25WG, Wofara 300WG, Onera 300WG, Cheesapc 500WG, Topchest 500WP, Chersieu 75WG…
- Tăng cường chăm sóc để cây lúa mau chóng phục hồi, tăng sức đề kháng với bệnh. Thường xuyên theo dõi diễn biến của bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Phải thực hiện tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh khi ruộng không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng, khó phục hồi được) bằng cách cày vùi. Trước khi tiêu hủy phải phun trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc, tránh phát tán rầy mang mầm bệnh sang nơi khác. Sau khi tiêu hủy tiến hành trồng cây khác (trừ cây ngô) thay lúa nếu điều kiện cho phép.
Nguồn: Báo Nam Định
- Phòng trừ sâu tơ hại súp lơ, bắp cải (08/12/2021)
- Một số lưu ý chống rét cho gia súc, gia cầm (08/12/2021)
- Một số lưu ý phòng chống rét cho cá (29/11/2021)
- Một số lưu ý khi nuôi gà thịt phục vụ Tết Nguyên Đán (27/10/2021)
- Lưu ý với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước tình hình mới (06/10/2021)
- Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi lồng bè trên sông, hồ mùa mưa lũ (24/09/2021)