Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 69521 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Bà con cần biết
Dự báo dịch hại trên lúa thời gian tới (22/08/2013)
Hiện nay, trà lúa mùa sớm đang trong giai đoạn đứng cái - làm đòng; trà lúa mùa trung, mùa muộn đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh. Tuy nhiên, một số đối tượng sâu bệnh đã xuất hiện.
Thời gian tới đây, diễn biến dịch hại dự báo như sau:
* Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non nở rộ và gây hại tập trung từ 20/8 đến cuối tháng 8/2013 trên các trà lúa làm đòng - trỗ bông.
Do điều kiện thời tiết thuận lợi nên khả năng mật độ sâu cao, diện tích gây hại rộng, nếu không tập trung phòng trừ hiệu quả, nhiều diện tích lúa sẽ bị ảnh hưởng lớn đến năng suất.
* Sâu đục thân hai chấm: Sâu non lứa 4 gây dảnh héo các trà lúa, gây bông bạc cục bộ một số diện tích lúa mùa sớm trỗ cuối tháng 8 đầu tháng 9/2013. Diện tích lúa trà mùa sớm cần quan tâm theo dõi để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ ước khoảng 1.600 ha (Thủy Nguyên 500 ha; Tiên Lãng 500 ha; Vĩnh Bảo 300 ha; An Lão 200 ha; An Dương 100 ha).
* Bệnh bạc lá lúa: Thời tiết hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh Bạc lá xâm nhiễm lây lan và phát triển. Trên các giống nhiễm bệnh Bạc lá như Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, HYT 100, VL 20, BC 15, HT6, Khang dân 18… bệnh sẽ phát sinh, phát triển và gây hại trong thời gian tới.
Ngoài ra, một số đối tượng như: bệnh khô vằn, chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng... tiếp tục phát triển.
Để bảo vệ năng suất lúa vụ mùa năm 2013, bà con cần tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch hại trên đồng ruộng.
* Đối với sâu cuốn lá nhỏ:
- Xác định những diện tích cần phun trừ sâu Cuốn lá nhỏ sau ngày 18/8/2013 (có mật độ sâu non tuổi 1 - 2 từ 20 con/m2 trở lên) trên lúa đang làm đòng.
- Thời gian phun trừ dự kiến từ ngày 18/8/2013 - 25/8/2013.
- Thuốc phun trừ sâu cuốn lá nhỏ:
+ Các thuốc sinh học, nguồn gốc sinh học và hỗn hợp như: Tasieu 5WG, Aremec 36EC, Dylan 5WG, Eagle 10 EC, Amagong 55 WP, Shertin 3.6EC, Director 70 EC, Voiduc 58EC...
+ Các thuốc hóa học như: Vitashield Gold 600EC, Dragon 585EC, Wavotox 585EC, Radiant 60SC, Clever 150SC, Ammate 150SC, Takumi 20WG, Reagt 800WG, Tango 800WG...
* Đối với bệnh bạc lá lúa:
- Chăm sóc lúa theo kỹ thuật canh tác lúa cải tiến, bón cân đối N-P-K, bón tập trung “nặng đầu, nhẹ cuối”, không bón thừa, bón muộn phân đạm.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là sau những đợt mưa giông bão. Khi thấy bệnh xuất hiện, dừng ngay việc bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, các loại phân bón qua lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng. Khi bệnh đã phát triển trên đồng ruộng thì việc phun thuốc hóa học thường không hiệu quả.
* Đối với sâu đục thân hai chấm: Tiếp tục theo dõi, xác định những diện tích lúa sớm trỗ cuối tháng 8 đầu tháng 9/2013 có mật độ ổ trứng từ 0,3 - 0,5 ổ/m2 để phun trừ, không phun tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
* Tiếp tục tổ chức diệt chuột và theo dõi diễn biến của các đối tượng dịch hại khác để phòng trừ kịp thời hiệu quả.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố
- Phòng trừ sâu tơ hại súp lơ, bắp cải (08/12/2021)
- Một số lưu ý chống rét cho gia súc, gia cầm (08/12/2021)
- Một số lưu ý phòng chống rét cho cá (29/11/2021)
- Một số lưu ý khi nuôi gà thịt phục vụ Tết Nguyên Đán (27/10/2021)
- Lưu ý với bệnh dịch tả lợn châu Phi trước tình hình mới (06/10/2021)
- Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi lồng bè trên sông, hồ mùa mưa lũ (24/09/2021)