Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 30135
Tổng truy cập : 57,998

Mô hình mới - Sản phẩm mới

Hiệu quả từ mô hình trồng măng tây xanh (11/09/2012)

Các anh Nguyễn Bá Tuấn, Nguyễn Bá Sơn, Đào Hữu Hà, ở thôn 6, xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã trồng gần 2 ha măng tây xanh, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao.

Tháng 9/2011, anh Tuấn mua giống măng nhập từ Mỹ tại tỉnh Bình Dương về ươm và trồng. Loại cây này đòi hỏi công nghệ chăm sóc cao, giống sạch, đất sạch, quy trình chăm sóc sạch. Đất trồng măng tây xanh phải bảo đảm cân bằng độ ẩm 70 - 75%, có giấy quỳ và máy đo độ pH của nước. Để bảo đảm, độ pH phải nằm ở ngưỡng 6,5 - 7 độ, nhiệt độ duy trì ở mức 25 - 30 độ C. Ngoài ra, phải bảo đảm cân bằng hàm lượng các thành phần dinh dưỡng NPK, trung, vi lượng; hạt giống lúc ươm trong bầu đòi hỏi bảo đảm giá thể 50 - 60% phân hữu cơ, còn lại là đất sạch. Anh Tuấn còn cho biết, đất trồng phải xới tơi xốp, lên luống, xử lý triệt để nấm bệnh; đồng thời cần phải phân lô và giao trách nhiệm cụ thể cho người làm để kiểm soát gắt gao, nắm bắt kịp thời và có hướng xử lý khi phát hiện bệnh.

Cũng như anh Tuấn, năm 2011, khi tìm hiểu về giống măng tây xanh và thấy được tính khả thi của nó, anh Nguyễn Duy Huệ, ở thôn 8 xã Tiến Nông cũng mạnh dạn phá bỏ 8 sào lúa năng suất, chất lượng thấp để trồng loại cây này. Sau 6 tháng trồng và chăm sóc, đến nay cây măng phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Anh Huệ cho biết: Loại cây trồng này rất đặc biệt, chồi của nó sinh sôi, phát triển chủ yếu vào ban đêm, cho nên không được tưới măng sau 17 giờ mỗi ngày, nên tưới vào sáng sớm hàng ngày. Sau khi trồng khoảng 4 tháng, đường kính cây mẹ gần bằng điếu thuốc lá thì cắt ngọn cây (cách mặt đất 1, 2 m) để giúp cây mẹ phì to gốc. Đồng thời giúp cho măng tây xanh tăng thêm đáng kể lượng cành lá quang hợp cho cây, kích thích mạnh việc trổ măng. Qua đó, giúp cây tăng năng suất, chất lượng, số măng lứa sau nhiều hơn và cao hơn lứa trước.

Khi các chồi măng nhú lên khỏi mặt đất khoảng 25 - 30 cm là lúc phải thu hoạch ngay để có được sản phẩm măng chất lượng cao. Thời gian thu hoạch từ 6 - 9 giờ sáng mỗi ngày. Sau khi thu hoạch cũng không được để măng tây xanh tiếp xúc với ánh nắng vì nắng làm cho chồi măng mau bị già, măng sẽ có nhiều xơ, mất dinh dưỡng, giảm chất lượng và mất giá trị thương phẩm. Trong thời gian thu hoạch khi thấy cây măng mẹ chuyển lá vàng thì chừa chồi măng con khỏe mạnh để thay thế. Nếu chăm sóc tốt, năm đầu mỗi cây có thể cho ra 2 - 3 chồi măng, từ năm thứ 2 có thể cho ra 5 - 9 chồi măng...

Ông Đào Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tiến Nông, cho biết: “Nhận thấy hiệu quả và khả năng có thể phát triển loại cây này thành cây hàng hóa, chúng tôi đã quy hoạch gần 2 ha đất để các hộ trồng thử nghiệm. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích các hộ dân học cách trồng, chăm sóc măng tây xanh để nhân rộng. Hiện giá măng tây đang được các doanh nghiệp thu mua khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg măng loại 1; 50.000 - 60.000 đồng/kg - măng loại 2 và 30.000 - 40.000 đồng/kg măng loại 3.

Nguồn: báo Thanh Hóa