Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 31667
Tổng truy cập : 57,998

Bà con cần biết

Kế hoạch sản xuất lúa vụ mùa 2016 (21/06/2016)

            Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc, dưới tác động của hiện tượng El Nino, nhiều khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong năm 2006 tương đương hoặc ít hơn so với trung bình nhiều năm. Khả năng sẽ có 1 đến 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Hải Phòng. Do đó, để chủ động trong sản xuất vụ mùa 2016, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Bố trí cơ cấu trà, giống và thời vụ

- Trà mùa sớm: Cấy chân cao, bà con nên sử dụng các giống ngắn ngày (95-110 ngày), như: P6ĐB, Nếp 87, QR1, VT-NA2, VS1, VL20… Gieo mạ dược từ ngày 10-15/6, cấy 20-30/6; Gieo mạ nền đất cứng, mạ sân từ 15-20/6, cấy 20-30/6; Gieo thẳng từ 20-25/6, thu hoạch trước 10/10 để trồng cây vụ đông sớm.

- Trà mùa trung: Cấy chân vàn cao. Sử dụng các giống thời gian sinh trưởng từ 95-115 ngày để tiếp tục trồng cây vụ đông, như: Các giống thơm RVT, TBR225, HT1, DQ11, BT7KBL, nếp 97… và lúa lai HYT100, NL20, TEJ Vàng… Gieo mạ sân, mạ nền đất cứng từ 20-30/6, cấy 25/6-15/7; Gieo thẳng xong trước 5-10/7; Chân đất vàn, vàn thấp không trồng cây vụ đông, nên gieo cấy các giống như BC15, Bắc ưu 903KBL, nếp Lang Liêu, ĐSI có thời gian sinh trưởng từ 120-130 ngày; Gieo mạ dược từ 10-15/6, cấy xong trước 10/7.

- Trà mùa muộn: Gồm các giống Nếp cái hoa vàng, Nếp xoắn. Thời gian sinh trưởng từ 150-155 ngày. Gieo mạ dược từ 5-15/6, cấy từ 10-20/6.

- Bà con nên lựa chọn 3-4 giống chủ lực, quy vùng gieo cấy tập trung “Một vùng - một giống - một thời gian” để thuận lợi cho công tác chăm sóc, quản lý dịch hại.

- Chuẩn bị tốt giống dự phòng: Chủ động đưa các giống cứng cây xuống chân trũng như Bắc ưu 903KBL, BC15, giâm mạ còn thừa sau cấy để dự phòng mưa lớn cục bộ gây ngập úng.

- Bà con không nên đưa các giống lúa nhiễm bệnh bạc lá trong vụ mùa vào cơ cấu. Những vùng thấp, trũng thường xảy ra úng lụt, tập trung cấy xong trước 10/7.

2. Các biện pháp kỹ thuật thâm canh

a. Lựa chọn giống lúa:

- Do thời vụ khẩn trương, vừa thu hoạch lúa xuân, vừa gieo mạ, làm đất gieo cấy lúa mùa phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất.

- Trà mùa trung cấy chân vàn thấp, mùa muộn cần sử dụng mạ dược để cấy; chân vàn, vàn cao cần chủ động tưới tiêu, gieo cấy các giống lúa ngắn ngày để đảm bảo năng suất.

- Cần bón phân đầy đủ cho mạ, đảm bảo tỷ lệ hữu cơ và phân khoáng đủ để cây mạ sinh trưởng nhanh, tạo cây khỏe, tăng khả năng chống chịu, cho năng suất cao.

b. Kỹ thuật làm đất:

- Làm đất sớm ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, sử dụng vôi bột, chế phẩm Sumitri giúp phân hủy nhanh gốc rạ, hạn chế các bệnh sinh lý.

- Làm đất sớm, đúng quy trình: 1 lần cày vùi gốc rạ kết hợp ngâm nước cho mục gốc rạ; sau 5-7 ngày cày bừa nhuyễn lần 2 để cấy hoặc gieo thẳng.

c. Bón phân cho lúa:

- Để đạt năng suất cao cần bón cân đối, bón lót sâu, bón thúc sớm, bón tập trung và sử dụng phân bón NPK tổng hợp chuyên dùng cho lúa.

- Mức phân bón 1ha (phân đơn): Phân hữu cơ 8-10 tấn, đạm urê: 220-280 kg, super lân: 500-550 kg, kali clorua: 160-220kg

- Mức phân bón 1ha (phân bón tổng hợp NPK): Phân chuồng: 8-10 tấn, NPK: 550-690kg, kaliclorua: 55-85kg.

+ Bón lót: 100% phân hữu cơ + 100% phân lân+ 50% phân đạm hoặc 100% NPK 5:10:3; Bón thúc đẻ nhánh (ngay sau khi lúa bén rễ hồi xanh): 50% phân đạm và 50% kali clorua

+ Bón thúc đòng bằng phân kali clorua: bón 50% lượng kali còn lại, có thể kết hợp phun phân bón lá kali ở giai đoạn lúa làm đòng.

d. Bảo vệ thực vật:

- Không đưa vào cơ cấu giống lúa nhiễm sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá, nhiễm rầy.

- Vệ sinh đồng ruộng bằng cách: cắt sát gốc rạ, cày lật đất ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, không để lúa chét, dọn sạch bờ cỏ…

- Tổ chức diệt chuột bằng cách thủ công

- Thực hiện tốt quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM

e. Công tác thủy lợi:

- Giữ đủ nước trên ruộng lúa xuân để sau thu hoạch làm đất ngay, để gieo cấy lúa mùa kịp thời vụ.

- Nạo vét hệ thống tưới tiêu, khơi thông dòng chảy nhằm hạn chế úng lụt.

- Lấy nước phù sa cho lúa nhằm cải tạo đất và hạn chế bệnh gây hại, điều tiết nước đảm bảo chủ động nguồn nước cho gieo trồng và chăm sóc lúa vụ mùa.

 

Nguồn: Sở NN&PTNT Hải Phòng